Số tiền này sẽ được dựa trên cột mốc 300 triệu bước chân của tất cả hội viên Cathay Walker chung bước đạt được trong thời gian diễn ra chương trình “Gieo mầm cây từ những bước chân”.
Chương trình “Gieo mầm cây từ những bước chân” sẽ được diễn ra từ 31/7 đến hết 27/8/2023. Trong thời gian này, hội viên Cathay Walker, có thể là khách hàng hoặc chưa phải khách hàng của Cathay đều có thể tham gia bằng cách tải ứng dụng cổng thông tin khách hàng Cathay Life Việt Nam tại APP Store hoặc CH Play và bắt đầu liên kết dữ liệu bước chân tại mục Sức khỏe.
Mọi con số bước chân thông qua vận động hằng ngày, đi bộ, chạy bộ của hội viên đều sẽ được ghi nhận và quy đổi thành số tiền tài trợ đến cho Trung tâm bảo tồn thiên nhiên Gaia.
Với cột mốc cao nhất 300 triệu đồng, chương trình sẽ có thể góp phần gieo thêm 3572 mầm xanh mới cho Vườn Quốc gia Bến En nhằm góp phần hồi phục rừng đặc dụng đầu nguồn nghèo kiệt, cải thiện chức năng sinh thái rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu, cải thiện sức khỏe, tăng năng xuất màu vụ và tạo ngôi nhà an toàn cho các loài quý hiếm.
Bên cạnh đó, khi hoàn thành thêm các mốc bước chân nhất định hoặc đạt thành tích top 50 người tham gia tích cực nhất, các hội viên tham gia chương trình sẽ còn có cơ hội nhận thêm nhiều giải thưởng hàng tuần và cuối chương trình như voucher mua sắm, bình nước, loa du lịch, máy lọc không khí...
Cathay Walker là tính năng trên ứng dụng Cathay Life Việt Nam khuyến khích khách hàng, người dùng hình thành các thói quen sức khỏe lành mạnh. Đây đã luôn là một trong những dự án được Cathay chú trọng, để giúp khách hàng từng bước xây dựng thói quen đi bộ, hướng đến sức khỏe lâu dài.
Thông qua chương trình lồng ghép đi bộ - trồng cây lần này, ông Lee Hsun Yu, Tổng giám đốc Cathay Life Việt Nam cho rằng đây sẽ là một chương trình vô cùng ý nghĩa khi khách hàng lẫn đội ngũ nhân viên Cathay cùng "chung bước" góp phần phủ xanh rừng Việt Nam.
Từ đó, gia tăng nhận thức về việc bảo vệ rừng từ hôm nay. Xa hơn là tạo nên những thay đổi tích cực về môi trường cho cộng đồng trong tương lai. Đúng với slogan của Cathay là "Cùng gieo mầm hôm nay - Cho tương lai phồn thịnh".
Thông tin về Vườn quốc gia Bến En
Vườn Quốc gia Bến En là 1 trong 35 Vườn Quốc gia của Việt Nam, với chức năng bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ các hệ sinh thái và phục hồi các loài động thực vật. Vườn quốc gia Bến En thành lập năm 1992, với diện tích 14.735ha, thuộc huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Đây là nơi chuyển tiếp giữa đồng bằng vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh rộng lớn với núi cao Trường Sơn Bắc.
Đặc điểm địa hình đã hình thành khu hệ động thực vật đa dạng và phong phú. Vườn Quốc gia Bến En đã phát hiện 1.417 loài thực vật, trong đó có 58 loài bị đe dọa tuyệt chủng trên Thế giới (ghi danh trong Sách Đỏ IUCN), 46 loài bị đe dọa cấp Quốc gia (ghi danh trong Sách Đỏ Việt Nam), như: Lim xanh, Lát hoa, Chò chỉ, Vù hương (Cinnamomum balansae)...
Hệ động vật cũng rất phong phú với hơn 1530 loài đã được nghiên cứu gồm: 102 loài thú, 277 loài chim, 66 loài bò sát, 47 loài Lưỡng cư, 97 loài cá, 728 loài côn trùng và 213 loài động vật đáy và nổi.
Trong đó, 56 loài động vật quý hiếm bị đe dọa tuyệt chủng cấp quốc gia (ghi trong sách đỏ Việt Nam), 433 loài bị đe dọa tuyệt chủng cấp thế giới (ghi trong Sách Đỏ IUCN) như: Vượn đen má trắng, Culi lớn, Culi nhỏ, Gấu ngựa, Gà lôi...
Tại Vườn Quốc gia Bến En hiện nay, có khoảng 3000ha rừng nghèo kiệt và đất trống, đồi núi trọc hoặc các trảng cỏ tranh, trước đây vốn là lâm trường. Khi Vườn Quốc gia Bến En được thành lập, lâm trường đóng cửa, để lại các khu vực rừng nghèo kiệt, hoặc thậm chí đất trống trọc. Vườn Quốc gia Bến En đã bước đầu gây trồng cây rừng trên những vùng đất này. Tuy nhiên, trải qua gần 30 năm, đây vẫn là những khu rừng nghèo kiệt, ít loài.
Hoạt động trồng rừng này nhằm hồi phục khu rừng bị nghèo kiệt, bằng các loài cây bản địa quý, góp phần cải tạo đất, làm giàu rừng và tạo nguồn thức ăn cho các loài hoang dã, giúp chúng có thể sinh sống an toàn khỏe mạnh trong rừng; đồng thời, duy trì các giá trị đa dạng sinh học, làm tăng giá trị du lịch, nghỉ dưỡng của rừng.
Bình luận