• Zalo

Chương trình Công nghệ Giáo dục: 7 điều trao đổi cùng người thẩm định

Giáo dụcThứ Tư, 12/09/2018 11:12:00 +07:00Google News

TS Nguyễn Hoàng Chương là hiệu trưởng một trường phổ thông ở Lâm Đồng đã gửi bài viết "xin được trao đổi cùng Chủ tịch Hội đồng quốc gia thẩm định Tài liệu Tiếng Việt 1 - Công nghệ Giáo dục" 7 điều.

1. Công nghệ Giáo dục

N. M. Iacôplép (1975), với chuyên khảo Phương pháp và kỹ thuật lên lớp trong trường phổ thông, tác giả có nhấn mạnh: “Ý nghĩa của sự dạy học là ở chỗ làm thế nào để cho trẻ học tập, nghĩa là thực hiện được quy trình công nghệ của tri giác, chế biến, củng cố và vận dụng vào thực tiễn những kỹ năng và tri thức”.

Theo tiếp cận này, “người hoạt động chính của quá trình học tập là học sinh, chính học sinh trực tiếp thực hiện quá trình công nghệ của sự phát triển và hoàn thiện của mình”.

Cũng theo N. M. Iacôplép, “trong việc dạy học gồm có hai quá trình công nghệ chồng lên nhau: quá trình “của giáo viên” và quá trình “của học sinh”. Cả hai quá trình này diễn ra đồng thời, vì vậy, kết hợp được chúng với nhau một cách hài hòa là một việc khó”.

XEM THÊM TOÀN BỘ CHUYÊN ĐỀ TẠI ĐÂY:

Video: GS Hồ Ngọc Đại: Cha mẹ đừng can thiệp vào việc học của con

Dạy học lấy học sinh làm trung tâm, mỗi ngày đến trường là một ngày vui, là nội hàm của công nghệ giáo dục, luôn có giá trị, cần được vận dụng và tiếp tục phát triển lên tầm cao mới trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay.

Thiết kế tỉ mỉ một quy trình dạy học, nếu được thể hiện trong sách giáo khoa, rất cần thiết cho lớp 1 và những lớp tiếp sau. Khẳng định điều đó lên các lớp trên (sau lớp 1) là không phù hợp và không hiệu quả – một nhận định chủ quan, áp đặt, thiếu cơ sở khoa học.

Càng áp đặt hơn khi cho rằng trong TV1 – CNGD có những điều “cực đoan”, cực đoan hay kiên quyết đột phá?

2. Với lớp 1, “chân không về nghĩa” – tại sao không?

Các cháu mẫu giáo, lớp 1 trong giao tiếp với gia đình, với người thân quen, các cháu nói có lúc rất người lớn, chưa hiểu hết điều mình nói ra.

Có những điều tuy đơn giản nhưng các cháu chưa được nghe vì thế lúng túng khi trả lời.

Cháu tôi vào lớp 1, cô hỏi: “Con có phải cháu thầy Chương không?”, cháu tôi trả lời không.

Biết chuyện, tôi hỏi cháu vì sao, cháu hồn nhiên trả lời chỉ có ... bác Chương.

Nhiều trẻ mẫu giáo, đầu lớp 1, cứ nhìn hình là đọc trôi chảy, cả những từ khó. Điều này, có gì là không ổn? Đọc – hiểu – cảm xúc – phát triển nhân cách, trong nhiều trường hợp được bắt đầu từ “chân không về nghĩa”.

3. Ngôn ngữ hàng ngày với trẻ lớp 1

“Chân không về nghĩa” và học sinh lớp 1 cần được học ngôn ngữ hàng ngày có mối liên hệ biện chứng. Ngữ liệu “thô ráp” của đời thường, dẫn trẻ lớp 1 đến đâu là cả một quá trình.

Đừng đem lo lắng, suy diễn của người lớn để quy chụp và lấy trẻ ra để ... dọa, đó không phải là cách làm khoa học.

4. Bàn về vật thật và vật thay thế

Trong lĩnh vực cơ học, vật chuyển động – vật thật như: ô tô, tàu hỏa, máy bay, ..., ở Cơ học lớp 10, khi giải bài toán chuyển động của các vật đó, người ta dùng vật thay thế là chất điểm. Chất điểm giúp vấn đề khảo sát trở nên đơn giản hơn nhưng từ đó giúp nghiên cứu chuyển động của vật rắn về sau được đầy đủ, chính xác.

Trong lĩnh vực ngôn ngữ, tuy người viết là người ngoại đạo, nhưng với lập luận của PGS Bùi Mạnh Hùng, dùng khái niệm vật thật, vật thay thế có vẻ làm phức tạp hóa vấn đề khi vận dụng vào dạy ngôn ngữ, đó là nhận định chưa toàn diện.

5. Lớp 1, cần yêu thương

Trong bài hát “Cô và Mẹ”, có câu: “Cô và Mẹ là hai cô giáo, Mẹ và Cô ấy hai mẹ hiền”, sự yêu thương này giúp trẻ lớp 1 tự tin, mạnh dạn tham gia hoạt động ở lớp, trong gia đình – một cơ sở quan trọng của công nghệ giáo dục.

Món quà tặng đầu đời cho trẻ là yêu thương, những điều tốt đẹp khác, trẻ phải tự kiếm tìm. Niềm tin vào người lớn bắt đầu từ tình yêu thương trẻ và được xác lập thông qua quá trình học chủ động, những năm tháng suy xét, lớn khôn.

Dường như có sự nhầm lẫn này, một sự nhầm lẫn không vô tình (!?). Tôi cho rằng, tâm huyết của GS Hồ Ngọc Đại thể hiện trong TV1 – CNGD là khởi nguồn, là yêu thương dành cho trẻ.

6. Nhiều thế hệ trưởng thành được bắt đầu từ lớp 1 với tập đọc và chính tả

Đọc một văn bản Tập đọc, nghe người khác đọc và ghi lại thành chữ viết Chính tả, có từ rất lâu, được nhà trường xưa đặc biệt chú trọng. Phải chăng vì thế, với những ai đã trải qua nhà trường xưa, dù chỉ qua lớp 1, lớp 2, họ rất khó tái mù – đây là cơ sở thực tiễn. Tập đọc, Chính tả tốt ngay từ lớp 1 giúp học sinh đọc – hiểu – diễn đạt ở những lớp học cao hơn và có thể nói, trẻ khó tái mù.

Video: Sách Tiếng Việt 1 Công nghệ Giáo dục có gì hay?

7. Cần hiểu đúng vấn đề nêu gương trong giáo dục

Đứng trong hệ quy chiếu giáo dục mà công nghệ giáo dục vừa là mục tiêu, vừa là biện pháp (một phần tử của hệ quy chiếu giáo dục) để hiểu đúng vấn đề nêu gương. Dường như PGS Bùi Mạnh Hùng có sự nhầm lẫn hoặc gán ghép, bóc tách ngôn ngữ kiểu “giáo dục không cần nêu gương”, đó mới là không nêu gương trong khoa học. Không tương kính sẽ khó có tâm huyết, không tương kính thì khó từ chối quyền cao chức trọng để cống hiến và cho ra đời công trình TV1 – Công nghệ Giáo dục. Lẽ thường, lúc trao đổi trong không gian cảm xúc, ân tình, có sự cộng hưởng cao giữa người nói và người nghe, việc diễn đạt gần gũi, thật lòng, thẳng thắn thì không thể nói là không tương kính.

(Bài viết có trích dẫn tài liệu trong cuốn: Khoa học giáo dục Việt Nam từ đổi mới đến nay của hai tác giả Phan Văn Kha và Nguyễn Lộc)

Nguồn: Vietnamnet
Bình luận
vtcnews.vn