Xử lí chất thải nông nghiệp thế nào để tránh ảnh hưởng đến môi trường luôn là vấn đề được Nhà nước hết sức quan tâm.
Gần đây, gây chú ý trong lĩnh vực công nghệ ứng phó với biến đối khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên năm là công trình công nghệ áp lực phá vỡ tế bào để chưng cất tinh dầu sả.
Được biết, công nghệ chưng cất này là dự án thực hiện bởi Tiến sĩ Lê Văn Tri và cộng sự. Công trình đã giành liền hai giải thưởng đó là Giải Nhất Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam 2016 (VIFOTEC) và Giải thưởng quốc tế WIPO cho công trình xuất sắc.
Xuất phát từ những trăn trở về cách xử lí rác thải nông nghiệp hiện nay, đặc biệt là trong hoạt động đốt, vứt lá cây sả gây ảnh hưởng đến môi trường.
Tiến sĩ Lê Văn Tri và các cộng sự tại Công ty cổ phần công nghệ sinh học đã nghiên cứu và phát triển thành công công trình “Thâm canh trồng sả trên vùng đất chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu để thu tinh dầu phục vụ tiêu dùng, xuất khẩu và sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh”.
Trong công nghệ thu cất tinh dầu, Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới mới chỉ biết tới phương pháp cuốn hơi nước.
Một phương pháp khá tốn thời gian, tốn nguyên vật liệu, nhiên liệu, hiệu quả không cao, và đặc biệt là lượng bã thải lớn mà chưa có biện pháp xử lý.
Phương pháp cuốn hơi nước thực chất là cách cho lá vào nồi đun lên, nước bay hơi và tinh dầu sẽ bay theo, sau đó làm lạnh để đưa tinh dầu và nước vào bình, tinh dầu nổi lên trên sẽ được chiết tách ra.
Nghiên cứu từ những hạn chế của phương pháp này, tiến sĩ Lê Văn Tri đã chuyển hướng sang chưng cất tinh dầu thông qua công nghệ áp lực phá vỡ tế bào.
Với công nghệ này, ông lắp nồi áp suất và nồi chưng cất lại với nhau, dùng áp lực bên này để đẩy sang chưng cất, rồi khóa van lại. Cuối cùng, áp lực đã phá vỡ các tế bào, tức là túi tinh dầu trong lá.
Ông Tri cho biết hệ thống công nghệ trên đã giảm lượng nước tiêu hao trong quá trình sản xuất xuống hơn 80%, thời gian chưng cất còn 2h mỗi mẻ và giảm chi phí lao động….
Từ thành công bước đầu này, ông cùng đồng nghiệp đã thiết kế thiết bị chưng cất quy mô công nghiệp với 5-10 tấn lá sả chanh một ngày.
Theo Thạc sĩ Đặng Phương Dung - Giám đốc Công ty cổ phần tinh dầu BIO Việt Nam, công nghệ này dễ thực hiện và được áp dụng tại nhiều địa phương, đặc biệt là các địa phương chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, khô hạn như: Tiền Giang, Bình Định, Đắk Lắk, Gia Lai, cho năng suất cao và mùi hương tinh dầu khá đặc biệt.
Công nghệ đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng độc quyền sáng chế và đăng ký Nhãn hiệu hàng hóa quốc gia.
Tinh dầu xả ngoài làm gia vị chế biến thức ăn, có thể dùng để uống giúp làm khỏe đường tiêu hóa, có thể dùng để gội đầu, cũng có thể dùng để xoa bóp hay xông hơi có tác dụng thư giãn, ngoài ra còn dùng để xịt quanh nhà nhằm xua đuổi côn trùng như kiến, gián, muỗi và bọ chét…
Trong quá trình nghiên cứu, các nhà nghiên cứu nhận thấy cây sả là loại cây trồng có khả năng thích nghi với nhiều loại đất, địa hình, bộ rễ phân bố rộng nên có khả năng hút nước, giữ nước tốt.
Cây sả còn có tác dụng giữ đất, chống xói mòn, không chỉ thích ứng nơi hạn hán vùng đồi núi miền Bắc, mà sả còn chịu được trong điều kiện ngập mặn ở Tiền Giang hoặc Vĩnh Long.
Chu kỳ kinh tế của cây sả kéo dài, trồng một lần thu hoạch từ 3 - 4 năm. Điều này rất hữu ích với nông nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp ở Việt Nam.
Hơn thế nữa, nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Lê Văn Tri còn nghiên cứu sử dụng nguồn bã thải làm nguyên liệu hữu cơ để sản xuất phân bón vi sinh, hạn chế sử dụng phân bón hóa học.
Phân hữu cơ vi sinh lại được sử dụng cho cây sả và các cây trồng khác, trả lại lượng dinh dưỡng lấy đi từ đất. Bã thải sau chưng cất còn tồn tại một lượng nhỏ tinh dầu, có khả năng xua đuổi côn trùng hiệu quả.
Nhóm nghiên cứu tính toán rằng, không vần nhiều vốn đầu tư, thời gian thu hoạch lại nhanh và kéo dài, khả năng chống chịu tốt nên hiệu quả từ trồng sả rất cao.
Doanh thu được từ lá và củ trên một hecta sả dao động từ 90-110 triệu đồng, cao gấp 7-8 lần so với trồng lúa. Còn với diện tích thâm canh 20 ha trồng sả, một nhà máy sản xuất tinh dầu sẽ thu doanh thu từ 1,5 - 1,6 tỉ đồng/năm.
Trong tương lai gần, TS. Lê Văn Tri có dự định sẽ tiếp tục thử nghiệm ứng dụng công nghệ vào sản xuất các loại tinh dầu từ cây trồng khác như hồi, quế, tràm.
Đồng thời, mở rộng thị trường tiêu thụ tinh dầu góp phần đẩy mạnh ngành công nghiệp tinh dầu nói chung và tinh dầu sả nói riêng, góp phần mang lại giá trị kinh tế cho nông dân, nhất là đối với những người dân ở vùng núi và trung du.
Video: Kết nối chuyển giao công nghệ
Bình luận