Phát biểu về tình hình kinh tếxã hội 6 tháng đầu năm, đại biểu Trần Công Thuật (Quảng Bình) cho rằng, ảnh hưởng sự cố môi trường biển do Formosa gây ra rất nặng nề, nghiêm trọng, kéo lùi sự phát triển cả về kinh tế, xã hội, an ninh trật tự và làm giảm lòng tin của nhân dân.
Đại biểu Thuật dẫn chứng, ít nhất 4 tháng sau sự cố Formosa, đời sống bà con điêu đứng, lòng dân không yên.
“Bà con rất bức xúc, lên án với những vi phạm làm hủy hoại môi trường. Cử tri Quảng Bình kiến nghị sớm thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân bị thiệt hại và người dân liên quan”, đại biểu Thuật kiến nghị.
Hiện nay những chính sách hỗ trợ này chưa đến được với người dân. Vì vậy, Chính phủ cần nhanh chóng giải quyết những khó khăn của người dân về đề việc làm, thu nhập, ổn định đời sống lâu dài, căn cơ để người dân yên tâm.
Quảng Bình cần sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ vì những tác động này là toàn diện, nghiêm trọng, khó khắc phục trong lâu dài.
Vị đại biểu tỉnh Quảng Bình cũng yêu cầu công khai minh bạch cái gì là dân được đền bù, cái gì là hưởng hỗ trợ từ nhà nước, cái gì là được nhà nước đầu tư.
“Bà con đề nghị và quan tâm xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân để xảy ra sự cố nghiêm trọng vừa qua, coi đây là bài học lớn trong việc ứng phó với thảm họa môi trường, trong phát triển kinh tế bảo vệ môi trường, bảo đảm sự phát triển bền vững”, đại biểu Thuật nói.
Liên tiếp thời gian gần đây, người dân phát hiện nhiều sai phạm của Formosa chôn lấp chất thải bừa bãi. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần xử lý kiên quyết những sai phạm.
Video: Ông Võ Kim Cự: Cấp phép cho Formosa 70 năm, tôi không sai
Nhân dân Quảng bình mong muốn cơ quan chức năng sớm làm rõ khi nào thì đánh cá vùng gần bờ, khi nào môi trường biển an toàn có thể đánh bắt, nuôi trồng an toàn.
Chúng ta cần tôm cá, nhưng có cần Formosa đến 70 năm?
Đại biểu Đoàn Công Thuật
“Chúng ta cần tôm cá, nhưng có cần Formosa đến 70 năm? Hiện Formosa là ai, là cái gì, cần công khai để nhân dân, Quốc hội biết rõ”, ông Thuật nhấn mạnh.
Đồng thời, theo ông Thuật, báo cáo của Chính phủ nêu câu “đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”, tuy nhiên đạo lý này với Formosa là chưa phù hợp, nhân dân Quảng Bình đề nghị thay câu khác phù hợp hơn.
Cũng có cùng quan điểm này, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho biết, trong khung chính sách đầu tư vì phát triển bền vững của Liên Hợp quốc mà Việt Nam tham gia, có điều khoản phải tuân thủ môi trường đại dương, tài nguyên biển, có các mục tiêu về bảo vệ môi trường khi xem xét các dự án cấp phép đầu tư.
“Chúng ta cũng có luật về bảo vệ tài nguyên biển, về môi trường nhưng thực tế đã xảy ra những gì? Người dân 4 tỉnh miền trung vẫn chờ câu trả lời cho câu hỏi liệu biển miền Trung đến bao giờ trong lành như xưa? Liệu sự cố có còn tiếp diễn hay không? Nếu không trả lời được những câu hỏi đó thì cần đặt ra vấn đề rằng dự án Formosa có nên tồn tại nữa hay không?”, đại biểu Tô Văn Tám đặt ra hàng loạt câu hỏi.
Bên cạnh đó, đại biểu Tám cũng băn khoăn các vấn đề về môi trường không được quan tâm đúng mức khi cấp phép đầu tư.
“ Đề nghị tổng kiểm tra các dự án nhà máy đang hoạt động, chuẩn bị hoạt động. Cần mạnh tay hơn nữa”, đại biểu Tô Văn Tám kiến nghị.
Video: Ông Dương Trung Quốc phản hồi phát ngôn của ông Võ Kim Cự
Bình luận