• Zalo

Chứng khoán Việt Nam ‘bốc hơi’ 160.000 tỷ đồng, đại gia nào mất nhiều nhất?

Kinh tếThứ Sáu, 12/10/2018 07:00:00 +07:00Google News

Trong phiên giao dịch “lịch sử”, chứng khoán Việt Nam “bốc hơi” 160.000 tỷ đồng, nhiều đại gia chứng kiến khối tài sản hao hụt rất mạnh.

Phiên giao dịch 11/10 được coi là một trong những “ngày đen tối” của thị trường chứng khoán Việt Nam khi chỉ số VN-Index giảm 48,07 điểm, tương ứng 4,84% xuống 945,89 điểm. Vốn hóa thị trường “bốc hơi” tới 160.000 tỷ đồng. Trong số đó, Tổng công ty khí Việt Nam (GAS) là đại gia mất mát nhiều nhất.

GAS mất mát nhiều nhất

Hôm qua, hàng loạt cổ phiếu “rủ nhau”  giảm sàn. Trong số đó, cổ phiếu GAS của Tổng công ty khí Việt Nam gây “hậu quả” nặng nhất khi GAS là mã có vốn hóa thị trường “bốc hơi” nhiều nhất.

chung khoan

 Chứng khoán Việt Nam ‘bốc hơi’ 160.000 tỷ đồng. (Ảnh: Vneconomy)

Đóng cửa phiên giao dịch 11/10, GAS giảm sàn, giảm 8.400 đồng/CP xuống chỉ còn 112.600 đồng/CP. Trên bảng giao dịch điện tử, bên dư mua hoàn toàn trống trơn. Khối lượng giao dịch tăng vọt thể hiện hoạt động bán tháo của nhà đầu tư diễn ra mạnh mẽ.

Với đà giảm mạnh, GAS khiến vốn hóa thị trường Tổng công ty khí Việt Nam “bốc hơi” 16.077 tỷ đồng xuống 215.500 tỷ đồng. GAS vẫn đứng ở vị trí thứ 4 trong danh sách các cổ phiếu có vốn hóa thị trường lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Cùng với cổ phiếu ngành dầu khí, cổ phiếu ngành ngân hàng đồng loạt giảm sàn trong phiên 11/10. BID của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chịu mất mát nhiều nhất ngành ngân hàng khi giảm sàn, giảm 2.500 đồng/CP xuống 32.900 đồng/CP. BID khiến vốn hóa thị trường BIDV giảm 8.547 tỷ đồng.

Cùng chung “số phận” với BID là cổ phiếu CTG của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank). Chốt phiên, CTG dừng ở mức 24.600 đồng/CP sau khi giảm 1.900 đồng/CP. Đà giảm này của CTG đã khiến vốn hóa thị trường VietinBank hao hụt 8.299 tỷ đồng.

Video: 3 tỷ phú giàu nhất sàn chứng khoán Việt năm 2017

VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) kéo dài danh sách các cổ phiếu ngân hàng giảm sàn. Kết thúc phiên, VPB dừng ở mức 23.250 đồng/CP sau khi giảm 1.800 đồng/CP. Vì vậy, vốn hóa thị trường VPBank “đánh rơi” 4.422 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB) cũng là một đại gia không may mắn trong phiên giao dịch lịch sử. Cổ phiếu MBB giảm sàn, giảm 1.500 đồng/CP xuống 21.250 đồng/CP khiến vốn hóa thị trường MBB giảm 3.907 tỷ đồng.

Cổ phiếu MSN của Công ty cổ phần Tập đoàn Masan cũng nằm trong danh sách các cổ phiếu đại gia giảm sàn. Đóng cửa phiên, MSN giảm 5.900 đồng/CP xuống 78.600 đồng/CP. Vì vậy, vốn hóa thị trường của ông lớn ngành hàng tiêu dùng “đánh mất” 6.863 tỷ đồng.

Cảnh báo rủi ro nghiêm trọng

Trước giờ mở cửa, giới đầu tư đã dự báo trước được một phiên đầy khó khăn của VN-Index khi thị trường chứng khoán Trung Quốc và Mỹ đồng loạt giảm sốc. Tuy nhiên, những người bi quan nhất cũng không hình dung được VN-Index lại có thể giảm sâu đến như vậy.

Chuyên viên phân tích Khiếu Trọng Huy của Công ty chứng khoán Bảo Việt nhận định với đà lao dốc của chứng khoán thế giới, chỉ số VN-Index không tránh khỏi bị ảnh hưởng tiêu cực trong phiên 11/10.

Anh Huy cho rằng, phiên sụt giảm mạnh này đã khiến cho các chỉ số và nhiều nhóm cổ phiếu rơi vào trạng thái quá bán. Điều này có thể giúp kích hoạt lực cầu bắt đáy ở các vùng giá thấp, qua đó được kỳ vọng sẽ giúp thị trường sớm cho phản ứng hồi phục trở lại trong một vài phiên kế tiếp.

“Mặc dù vậy, chúng tôi cũng lưu ý rằng, đây có thể chỉ là nhịp hồi phục kỹ thuật (nếu có) sau phiên sụt giảm mạnh của thị trường”, ông Huy phân tích và cho biết thêm nền kinh tế Mỹ đang ở giai đoạn hậu tăng trưởng nên rủi ro đang ngày một lớn dần.

Chuyên viên phân tích Nguyễn Đức Anh của Công ty chứng khoán FPTS đánh giá diễn biến bán tháo xảy ra khá đột ngột và chưa ghi nhận yếu tố nào đang chi phối trạng thái tâm lý này. Theo anh Đức Anh, có khả năng đây là sự cộng hưởng từ yếu tố bên ngoài và tâm lý lo ngại trong bối cảnh lãi suất ngân hàng cùng lợi suất trái phiếu chính phủ vẫn đang trên đà tăng.

“Dù sao, phiên giảm mạnh cùng áp lực bán tháo vẫn luôn là một trong những dấu hiệu cảnh báo rủi ro nghiêm trọng về xu hướng. Nhà đầu tư nên hạn chế giải ngân hoặc bắt đáy trong trong thời điểm hiện tại. Các vị thế đã vi phạm Stoploss có thể chờ đợi phản ứng giá phục hồi kỹ thuật trong một vài phiên kế tiếp để thực hiện giảm tỷ trọng dự phòng nguy cơ xu hướng giá xuống”, anh Đức Anh đưa ra lời khuyên cho nhà đầu tư.

Thanh Hà
Bình luận
vtcnews.vn