• Zalo

Chứng khoán hồi tỉnh, tỷ phú Trung Quốc vẫn ‘rơi rụng’ trăm triệu USD

Kinh tếThứ Tư, 06/01/2016 05:22:00 +07:00Google News

Mặc dù thị trường chứng khoán hồi tỉnh sau phiên hoảng loạn 4/1 nhưng những tỷ phú giàu nhất Trung Quốc vẫn rơi rụng tỷ USD.

(VTC News) – Mặc dù thị trường chứng khoán hồi tỉnh sau phiên hoảng loạn 4/1 nhưng những tỷ phú giàu nhất Trung Quốc vẫn rơi rụng tỷ USD.

Tỷ phú Trung Quốc “rơi rụng” trăm triệu USD

4/1 là ngày không thể quên được với thị trường chứng khoán Trung Quốc. Sau khi chỉ số CSI 300 giảm 5%, các nhà quản lý phải  đưa ra biện pháp bất  đắc dĩ. Đó là quyết định để thị trường ngừng giao dịch trong 15 phút.

Biện pháp này không những không dập tắt được sự hoảng loạn mà ngược lại, khiến sự hoảng loạn bị đẩy lên cao. Ngay lập tức nhà đầu tư đã thi nhau tháo chạy trước khi bị mắc kẹt với chính sách mới mà theo đó thị trường sẽ đóng cửa sớm nếu mức giảm vượt quá con số 7%.

Kết quả là thị trường đã phản ứng rất nhanh: chỉ mất 7 phút để mức giảm tăng lên 7% và khối lượng giao dịch tăng vọt lên mức cao kỷ lục.
Tỷ phú Ma Huateng, Lei Jun và Wang Jianlin

Để dập tắt sự hoảng loạn, Chính phủ Trung Quốc nhanh chóng đưa ra các “phao” cứu trợ. Các quỹ của Chính phủ Trung Quốc mua vào cổ phiếu, Ngân hàng Trung ương nước này bơm gần 20 tỷ USD vào hệ thống tài chính,... Nhờ đó, sang ngày 5/1, thị trường chứng khoán hồi tỉnh.

CSI 300 đi lên là tin vui với toàn thị trường nhưng một vài người giàu nhất Trung Quốc lại không được tận hưởng niềm vui đó khi cổ phiếu mà họ nắm giữ vẫn đi xuống.

Cổ phiếu của Tập đoàn Dalian Wanda Commercial Properties giảm 1,9% khiến tài sản của tỷ phú giàu nhất Trung Quốc Wang Jianlin “bốc hơi” 560 triệu USD. Tính theo thị giá cổ phiếu Dalian Wanda Commercial Properties ngày 5/1, tài sản của ông Wang Jianlin còn 28,8 tỷ USD.

Chốt phiên 5/1, cổ phiếu Tencent Hldg (Tencent Holdings) giảm 1,07% khiến tài sản của tỷ phú Ma Huateng, (người được biết đến với tên gọi Pony Ma) giảm 193 triệu USD. Hiện tại, tỷ phú giàu thứ 3 Trung Quốc đang có 18,2 tỷ USD trên sàn chứng khoán Hồng Kông.

Không nhiều người Việt Nam biết đến Lei Jun nhưng điện thoại thông minh Xiaomi có vẻ lại khá phổ biến. Chính Xiaomi đã giúp Lei Jun trở thành tỷ phú giàu thứ 5 Trung Quốc với 13,3 tỷ USD. Trong những thời điểm, thị trường chứng khoán Trung Quốc chao đảo, cổ phiếu Xiaomi giảm nhẹ hơn các “cổ phiếu đại gia” còn lại nên trong ngày 5/1, ông Lei Jun “chỉ” mất 16 triệu USD.

Tỷ phú Trung Quốc “ngoài Trung Quốc” kiếm bộn

Có thể thấy, những người giàu nhất Trung Quốc phải chịu thiệt hại lớn kể trên có đặc điểm chung là cổ phiếu của công ty họ đều niêm yết trên sàn chứng khoán Hồng Kông. Trong khi đó, cổ phiếu của một số tỷ phú Trung Quốc niêm yết ngoài Trung Quốc (đặc biệt là niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ) đều khởi sắc sau một phiên giảm sâu.

Tên tuổi Jack Ma và công ty của ông Alibaba gắn liền với Trung Quốc. Tuy nhiên, Jack Ma lại chọn Mỹ là nơi IPO và niêm yết cổ phiếu. Hồi tháng 9/2014, Alibaba đã đi vào lịch sử chứng khoán Mỹ bằng đợt IPO được coi là thành công nhất. Đợt IPO này khiến vốn hóa thị trường của Alibaba tăng vọt lên 228 tỷ USD.

Ông Jack Ma nhờ đó cũng lọt vào danh sách những người giàu nhất thế giới với tài sản ước tính 21,8 tỷ USD. Tài sản của người giàu thứ 2 Trung Quốc vẫn có xu hướng đi lên bất chấp nhiều thăng trầm của thị trường chứng khoán. Sau ngày 5/1, ông Jack Ma có 23,2 tỷ USD sau khi giá trị cổ phiếu Alibaba của ông tăng thêm 286 triệu USD.

Cổ phiếu của công cụ tìm kiếm số 1 Trung Quốc Baidu niêm yết trên sàn giao dịch Nasdaq của Mỹ nên trong ngày 5/1, Baidu nhanh chóng phục hồi và “trả lại” cho Robin Li, tỷ  phú giàu thứ 4 Trung Quốc 241 triệu USD. Hiện tại, “ông trùm” 47 tuổi người Trung Quốc đang sở hữu khối tài sản trị giá 13,5 tỷ USD.

Cũng niêm yết trên sàn giao dịch Nasdaq, cổ phiếu NetEase nhanh chóng phục hồi cùng Baidu. Với đà tăng 1%, cổ phiếu NetEase mang về cho ông chủ William Ding 101 triệu USD. Với khối tài sản 1,01 tỷ USD, ông William Ding đang là người giàu thứ thứ 8 Trung Quốc và giàu thứ 112 thế giới.


Bảo Linh

Bình luận
vtcnews.vn