(VTC News) – Liệu chứng khoán còn giúp nhà đầu tư ‘hái’ ra tiền sau những phiên hoảng loạn,vốn hóa trên thị trường bốc hơi hàng tỷ USD?
Chỉ tính riêng 2 phiên 8/5 và 12/5, vốn hóa thị trường cả 2 sàn Hà Nội và Tp.HCM “bốc hơi” khoảng 6 tỷ USD. Nguyên nhân được nhiều chuyên gia đưa ra là nhà đầu tư lo ngại về xung đột trên Biển Đông.Ông Giang Trung Kiên, Giám đốc phân tích, Công ty chứng khoán FPTS
Tuy nhiên, khi nhà đầu tư trong nước vội vàng bán tháo khiến hàng loạt cổ phiếu từ blue-chip, midcap tới smallcap giảm sàn, nhà đầu tư nước ngoài và các tổ chức lớn đẩy mạnh gom hàng. Mỗi phiên, hàng trăm tỷ đồng của “đại gia Tây” đã đổ vào thị trường.
Phóng viên VTC News đã có cuộc phỏng vấn với ông Giang Trung Kiên, Giám đốc khối Phân tích, Công ty chứng khoán FPTS về những diễn biến của thị trường chứng khoán trong những ngày qua.
- Trong thời gian qua, chứng khoán Việt Nam giảm rất sâu, ông có thể phân tích rõ nguyên nhân?
Mấy tuần gần đây chứng khoán Việt Nam đang trong thời gian giảm mạnh. Nguyên nhân một phần là từ đầu năm, chứng khoán đã tăng rất mạnh nên việc điều chỉnh cũng là hợp lý. Tuy nhiên, những ngày qua, chứng khoán chịu ảnh hưởng từ căng thẳng trên Biển Đông. Nhà đầu tư lo ngại về quan hệ của Việt Nam với quốc gia láng giềng.
Thực tế, nhà đầu tư không cần lo ngại như vậy. Tuy nhiên, cần phải thấy rõ có khoảng cách rất xa giữa thực tế và hành động.
Thị trường chứng khoán luôn bị ảnh hưởng bởi các thông tin và nhà đầu tư có thể phản ứng thái quá với các thông tin.
Ví dụ trên thực tế, nền kinh tế mới chỉ có dấu hiệu phục hồi, chứng khoán có thể tăng vọt. Tương tự như vậy, khi hơi có vấn đề, nhà đầu tư quan ngại nên bao giờ cũng phản ứng quá đà.
Phản ứng quá đà khiến chứng khoán lao dốc. Chứng kiến chứng khoán lao dốc, nhà đầu tư lại phản ứng quá đà hơn, chứng khoán lại giảm sâu hơn.
- Theo ông, nhà đầu tư đang phản ứng thái quá với thị trường?
Đúng vậy. Nhà đầu tư đang bị ảnh hưởng bởi tâm lý. Họ sợ xung đột. Và họ đã phản ứng thái quá với thị trường.
- Theo ông, tình trạng này sẽ kéo dài trong bao lâu?
Khó có thể dự báo tình trạng này sẽ kéo dài trong bao lâu vì gốc rễ của vấn đề là sự nóng lên trên Biển Đông. Mà hiện tại, chưa có dấu hiệu nào chứng tỏ có giải pháp giải quyết vấn đề, thành ra VN-Index giảm mạnh.
VN-Index giảm mạnh kéo theo tác động tiêu cực đến dư nợ cho vay chứng khoán. Như vậy, sẽ kéo chứng khoán giảm mạnh và sâu hơn nữa. Sau đó, đà giảm sẽ dừng lại. Tuy nhiên, hiện tại cần có giải pháp trấn tĩnh tâm lý nhà đầu tư.
- Nhà đầu tư sợ trong nước lo sợ nên đua nhau bán tháo. Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài lại đẩy mạnh gom hàng. Ông có thể giải thích nghịch lý này không ạ?
Khối ngoại hay gọi chung là khối tổ chức, bao gồm cả các tổ chức lớn trong nước. Khối tổ chức đánh giá triển vọng thị trường rất tốt.
Cá nhân tôi cũng đánh giá kinh tế năm nay tốt hơn năm ngoái rất nhiều. Thời điểm này, thị trường đã trả lại mặt bằng giá cổ phiếu gần tới mức chưa tăng hồi đầu năm. Đây là thời điểm có thể mua vào để đầu tư chứng khoán.
- Ông có lời khuyên nào cho nhà đầu tư chứng khoán?
Theo tôi, trong ngắn hạn, nhà đầu tư lướt sóng vẫn gặp khá nhiều rủi ro. Tuy nhiên, đây lại là thời điểm tốt cho nhà đầu tư dài hạn mua hàng. Vấn đề là nhà đầu tư nên chọn các cổ phiếu có chỉ số cơ bản tốt, mặt bằng giá hấp dẫn. Đây lại là thời điểm tốt cho nhà đầu tư dài hạn mua hàng.
Xét trong tương quan của các kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản, chứng khoán đang có lợi thế.
Chứng khoán giảm xuống mức giá thấp khiến chứng khoán trở thành kênh đầu tư tiềm năng cực kỳ tốt trong tương lai. Tương lai ở đây là tương lai hữu hạn chứ không phải dài hạn.
- Trong những ngày qua, dù giá vàng thế giới giảm, giá vàng trong nước vẫn tăng. Liệu có tình trạng nhà đầu tư chuyển dòng tiền từ chứng khoán sang vàng không thưa ông?
Hiện tại, tôi chưa có số liệu đó. Tuy nhiên, tôi nghĩ nếu so sánh một cách khách quan mối tương quan giữa rủi ro và lợi nhuận thì chứng khoán đang có ưu thế.
Trong ngắn hạn, đầu tư chứng khoán có những rủi ro nhất định. Tuy nhiên, rủi ro nhiều thì lợi nhuận cao. Vấn đề là nhà đầu tư nhìn thấy lợi nhuận cao hơn rủi ro. Họ cho rằng thời điểm này với mức giá này, chứng khoán có thể mang lại nhiều lợi nhuận cho họ hơn là tạo ra rủi ro khiến họ gặp phải
- Trong những ngày qua, chứng khoán giảm mạnh, tỷ giá cũng biến động không ngừng. Theo ông, Tỷ giá có bị tác động bởi chứng khoán và tình hình Biển Đông không?
Tôi nghĩ tỷ giá không chịu ảnh hưởng nhiều lắm từ các vấn đề kể trên. Đúng là tỷ giá có nóng lên nhưng chỉ nóng lên trong thời gian rất ngắn. Sau đó, tỷ giá nhanh chóng lập lại trật tự.
Có thể thấy trong một vài năm trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước điều hành tỷ giá rất tốt.
- Xin cám ơn ông
Bảo Linh
Bình luận