2018 là năm đầy biến động của thị trường chứng khoán Việt Nam. Chỉ số VN-Index “lên bổng xuống trầm” tạo nhiều cung bậc cảm xúc cho nhà đầu tư. Sau 1 năm giao dịch, chỉ số VN-Index giảm 91,7 điểm xuống chỉ còn 892,54 điểm. VN-Index không thể giữ nổi mốc 900 điểm dù có sự khởi đầu hoàn hảo.
Trong phiên giao dịch thứ hai của năm 2018, chỉ số VN-Index đã khiến nhà đầu tư nức lòng khi tăng mạnh lên 1.005,67 điểm. Đây là dấu mốc rất quan trọng vì chỉ số này đã tìm lại được mốc 1.000 điểm sau khoảng thời gian rất dài chờ đợi. Thậm chí, trong phiên ngày 9/4/2018, VN-Index đạt tới 1.204,33 điểm. Đây là mức cao nhất của VN-Index trong năm 2018.
Thế nhưng, nửa cuối năm 2018, nhà đầu tư liên tục “đứng tim” khi VN-Index chìm sâu vào những phiên sụt giảm. Tính chung cả năm, VN-Index giảm mạnh nhưng vốn hóa thị trường sàn TP.HCM lại tăng mạnh.
Cụ thể, chốt phiên cuối cùng của năm 2018, vốn hóa thị trường sàn TP.HCM đạt 2.875.544 tỷ đồng (khoảng 123,6 tỷ USD), tăng 261.394 tỷ đồng so với cuối năm 2017. Nguyên nhân là do nhiều “bom tấn” chứng khoán niêm yết trong năm 2018.
Tính đến 5/12, HoSE chào đón 20 doanh nghiệp và 1 chứng chỉ quỹ đầu tư niêm yết mới. Hai “bom tấn” đáng chú ý nhất chào sàn trong năm 2018 là VHM của Công ty cổ phần Vinhomes và TCB của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank). Cả 2 mã này đều nằm trong Top 10 cổ phiếu có vốn hóa thị trường lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Cụ thể, sáng 17/5, gần 2,68 tỷ cổ phiếu VHM chính thức giao dịch trên HoSE. Đây là doanh nghiệp thứ ba nằm trong hệ thống Tập đoàn Vingroup niêm yết trên sàn chứng khoán, sau VIC và VRE.
Với giá tham chiếu 92.100 đồng, vốn hóa thị trường phiên giao dịch đầu tiên của Vinhomes xấp xỉ 246.800 tỷ đồng (10,8 tỷ USD). Hiện tại, dù cổ phiếu VHM sụt giảm theo xu hướng chung của thị trường, vốn hóa của VHM vẫn cao ngất ngưởng, đạt 245.854 tỷ đồng.
Trong khi đó, TCB cũng gây xôn xao dư luận khi chào sàn ở mức giá cao nhất ngành ngân hàng. Sáng 4/6, TCB đã chính thức niêm yết hơn 1,16 tỷ cổ phiếu lên HoSE. TCB được định giá lên tới 128.000 đồng/CP. Giới đầu tư đánh giá đây là mức quá cao.
Vì vậy, không có gì ngạc nhiên TCB “rơi tự do”. Ngay khi thị trường mở cửa, lực chốt lời mạnh đã xuất hiện khiến cổ phiếu này giảm kịch sàn. Trải qua nhiều phiên biến động, hiện tại, vốn hóa thị trường của Techcombank đạt 90.386 tỷ đồng, cao hơn cả VietinBank.
Cùng với Techcombank, trong năm 2018, HoSE chào đón 2 tân binh ngân hàng mới. Đó là TPB của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) và HDB của Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank).
Có vốn hóa thị trường không quá cao nhưng YEG của Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1 lại gây “sốc” khi “hét” giá cao nhất thị trường, lên đến 250.000 đồng/CP.
Có thể thấy, bất chấp vốn hóa thị trường HoSE tăng mạnh, nhà đầu tư chứng khoán vẫn khó có cái Tết no ấm. Theo các chuyên gia chứng khoán, trong năm 2019, tín hiệu tích cực vẫn chưa xuất hiện.
Công ty chứng khoán Rồng Việt phân tích trong phiên giao dịch cuối năm, thanh khoản thấp cho thấy cả bên mua và bên bán đều đang khá lưỡng lự và không dễ để xác định xu hướng tiếp theo. Để thoát đáy, VN-Index cần xuất hiện những phiên tăng điểm mạnh với thanh khoản cải thiện. Ngược lại, nếu không giữ được vùng hỗ trợ quan trọng 880 điểm thì kịch bản giảm sâu sẽ xuất hiện. Chuyên gia phân tích khuyên nhà đầu tư tiếp tục chờ đợi thêm và nếu giải ngân thì chỉ nên ở mức độ thăm dò.
Trong khi đó, trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX không có nhiều biến động. Mở cửa phiên giao dịch đầu năm 2018, HNX đạt 118,87 điểm, chốt phiên năm, HNX đạt 104,23 điểm. Như vậy, chỉ số HNX đã giảm 14 điểm so với đầu năm.
Hiện có 374 doanh nghiệp niêm yết trên HNX với giá trị vốn hóa thị trường đạt gần 190 nghìn tỷ đồng, giảm 13% so với cuối năm 2017. Giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 788 tỷ đồng/phiên, tăng 12% về khối lượng và 28% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Trên thị trường UPCoM, số lượng doanh nghiệp và giá trị vốn hóa tăng nhanh. Tính đến 15/12/2018, có 803 doanh nghiệp giao dịch trên UPCoM, vốn hóa thị trường đạt hơn 830 nghìn tỷ đồng, tăng 16% so với cuối năm 2017. Trong năm, Sở đã chấp thuận và đưa vào giao dịch trên thị trường UPCoM cho 111 doanh nghiệp.
Thanh khoản thị trường tăng mạnh so với năm 2017, tính bình quân, giá trị giao dịch đạt 374 tỷ đồng/phiên tăng 84% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2018, hoạt động đấu giá đã hỗ trợ tích cực công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, gắn với niêm yết/đăng ký giao dịch trên TTCK.
Tính đến 15/12/2018, Sở đã tổ chức thành công 38 phiên đấu giá với giá trị trúng đạt gần 21 nghìn tỷ đồng, trong đó có 10 phiên IPO cổ phần hóa và 28 phiên đấu giá phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Video: Những tỷ phú giàu nhất thế giới năm 2018
Bình luận