• Zalo

Chung kết U19 Việt Nam: Đổ xô làm phe vé kiếm lãi 'khủng'

Thời sựThứ Bảy, 13/09/2014 11:17:00 +07:00Google News

(VTC News) - Chấp nhận xem trận chung kết ở nhà, nhiều sinh viên đã bán lại vé vào sân Mỹ Đình để kiếm lãi 'khủng'.

(VTC News) - Chấp nhận xem trận chung kết ở nhà, nhiều sinh viên đã bán lại vé vào sân Mỹ Đình để kiếm lãi 'khủng'.

Sinh viên cũng là dân phe 'nghiệp dư'

Chỉ còn chưa đầy 12 tiếng đồng hồ nữa, chảo lửa Mỹ Đình lại rực đỏ sắc áo của người hâm mộ Việt Nam. Tuy nhiên, không phải ai cũng dễ dàng có trong tay một tấm vé vào sân theo dõi U19 Việt Nam thi đấu.

Ngay từ sáng sớm, khu vực trước sân vận động Mỹ Đình tấp nập "kẻ bán người mua" .

Rất đông người dân đến sân 'thăm dò' giá vé (Ảnh: Minh Chiến) 

Đến sáng nay (13/9), dân phe vé bên ngoài sân Mỹ Đình hét giá từ 1 triệu đến 1,3 triệu đồng/cặp ở 2 khán đài C, D, 2 triệu đồng/cặp đến 4 triệu đồng/cặp ở 2 khán đài A,B tùy vào vị trí ngồi.

Điều đặc biệt, dân phe vé tỏ ra khá "lạnh lùng". Theo ghi nhận của PV, khi hét giá xong, nếu khách hàng tỏ ý ái ngại vì giá cao, dân phe không mặn mà chèo kéo khách mà thẳng thừng nói: "Không mua bây giờ thì chiều còn đắt hơn nữa".

Càng gần đến trận đấu giá vé sẽ "chát" hơn bởi hiện tại chính dân phe vé vẫn còn tiếp tục săn mua lại từ nhiều nguồn.

Thị trường vé chợ đen sôi động vào sáng nay (Ảnh: Minh Chiến) 

Ở cổng sân Mỹ Đình sáng nay, không chỉ có dân phe bán vé mà nhiều sinh viên, người dân không có nhu cầu đi xem nhưng lại có vé cũng tham gia vào thị trường bán buôn. Dường như nắm bắt được tâm lý của người hâm mộ, những dân phe "nghiệp dư" này cũng hét giá trên trời khi có khách hàng hỏi mua.

Với một cặp vé khán đài C đã xếp hàng mua được trước đó, nam sinh viên Hữu Việt (Trường ĐH Công Nghiệp) hét giá 1,2 triệu đồng khi có khách hỏi mua. Sau 3 vị khách ngán ngẩm vì giá cao, đến vị khách thứ tư thì Hữu Việt cũng bán được cặp vé của mình với giá 1,2 triệu, trong khi giá gốc chỉ là 80 nghìn đồng/cặp.

 Nhiều người xếp hàng từ trước đó mua được vé giá gốc, nay cũng mang đi bán lại kiếm lãi 'khủng' (Ảnh: Minh Chiến)

Chia sẻ lý do đứng xếp hàng nhiều tiếng đồng hồ mới mua được vé nhưng mang bán lại, Việt nói: "Em cũng ham xem bóng đá lắm, nhưng không ngờ giá vé lại đẩy lên cao như vậy. Em mua ban đầu chỉ có 80 nghìn/cặp nhưng vừa bán lại được 1,2 triệu đồng. Khoản tiền lãi không hề nhỏ so với sinh viên như em, nên em quyết định bán lại và xem trận đấu ở quán cafe".

Trong khi đó, nhiều người hâm mộ chịu khó xếp hàng từ trước đó, mua cho mình được 2 cặp vé, nay thị trường vé sốt, cũng tham gia bán để kiếm lãi. Ít ai có thể ngờ rằng, giá vé lại bị đội cao gấp hàng chục lần như vậy.

Anh Quang Tạo (ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho hay: "Vừa rồi tôi xếp hàng mua được 4 vé mà chỉ có nhu cầu dùng 2 vé, nay mang ra bán lại. Cặp vé khán đài B này đã có người mặc cả 1,7 triệu nhưng tôi chưa bán. Đợi thêm tới trưa chắc sẽ bán được giá cao hơn".

Chọn khách "sộp" để chèo kéo

Trong hàng trăm dân phe đang có mặt tại khu vực sân Mỹ Đình, không phải ai cũng "mua may bán đắt". Và "chiêu thức" kinh doanh đã giúp nhiều dân phe bán vé rất nhanh và với mức giá trên trời.

Tại cổng sân Mỹ Đình, khi một chiếc xế hộp xuất hiện, dân phe lập tức áp sát và chào mời khách hàng mua vé. Thậm chí, khách hàng không cần xuống xe, mọi giao dịch đều được thực hiện khi "kẻ trong người ngoài".

'
Dân phe lựa chọn khách "sộp" để chào hàng (Ảnh: Minh Chiến)

Với khách sộp đi xế hộp, dân phe luôn hét mức giá trên trời và chèo kéo nhiệt tình với những lời quảng cáo đầy hấp dẫn: "Vé này vào cửa chính diện luôn, ngồi xem thì miễn chê anh trai ạ. Vé này em vừa mua lại được của người quen không đi xem. Anh trai lấy em để lại cho 3,5 triệu/cặp".

Với mức giá khủng nhưng nhiều người hâm mộ sẵn sàng bỏ tiền túi để sở hữu một tấm vé trận chung kết có sự góp mặt của U19 Việt Nam.

"Với mức giá đó, coi như mất toi nửa tháng lương, nhưng cả chục năm nay không được hưởng không khí cuồng nhiệt cùng bóng đá rồi nên vẫn quyết tâm móc hầu bao để mua vé", anh Hoàng Tú (một nhân viên kinh doanh ở Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.

Không hiếm những trường hợp như anh Tú, sẵn sàng bỏ cả nửa tháng lương, hoặc với nhiều người là tiết kiệm chi tiêu của cả tháng sau đó để mua vé từ thị trường chợ đen.

Minh Chiến
Bình luận
vtcnews.vn