Các nhà khoa học từ Đại học Calgary ở Alberta ở Canada tìm thấy hóa thạch này vào năm 2005 gần con kênh đầy bùn ở đông nam Alberta. Con rùa được xác định thuộc loài đã tuyệt chủng trong chi Adocus tại đông nam Alberta.
Theo nghiên cứu, con rùa mang thai này đại diện cho hóa thạch đầu tiên được khai quật với trứng vẫn còn trong cơ thể. "Việc tìm thấy trứng và con non của những loài động vật tuyệt chủng tương đối hiếm và việc tìm thấy chúng bên trong cơ thể mẹ còn hiếm hơn", nhà nghiên cứu Darla Zelenitsky, nhà địa chất học tại Đại học Calgary ở Alberta cho biết.
Nhóm nghiên cứu phát hiện ra ít nhất 5 quả trứng bị nghiền nát trong cơ thể của con rùa cái. Kết quả chụp cắt lớp vi tính (CT) cho thấy vẫn còn nhiều quả trứng ẩn dưới mai rùa.
Theo đó, rùa dài khoảng 40 cm mang trong mình 20 quả trứng. Những quả trứng vỏ rất dày và cứng hơn nhiều so với loài rùa hiện đại ngày nay. Đặc điểm này giúp nhưng con rùa non tránh khỏi nanh vuốt của những kẻ săn mồi sống ở thời kỳ khủng long và thích ứng với môi trường khô hạn.
Các nhà nghiên cứu cho biết, mẫu vật mà họ thu được phần nào làm sáng tỏ sự tiến hóa của đặc điểm sinh sản của loài rùa hiện đại.
Bình luận