Bộ Công Thương đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, dự thảo nêu rõ, giá bán lẻ điện được quy định chi tiết cho từng nhóm khách hàng sử dụng điện, bao gồm: Sản xuất, kinh doanh, cơ sở lưu trú du lịch, hành chính sự nghiệp, sinh hoạt.
Điểm mới của dự thảo là biểu giá điện quy định giá điện mỗi bậc thang tính theo tỷ lệ % so với giá điện bán lẻ bình quân nhưng khoảng cách giữa các bậc thang vẫn giữ nguyên như cũ.
Cụ thể, biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt vẫn chia làm 6 bậc như cũ: Từ 0-50kWh có mức giá bằng 92% giá bán lẻ điện bình quân; từ 51-100kWh giá bằng 95% giá bán lẻ điện bình quân; từ 101-200kWh giá bằng 110% giá bán lẻ điện bình quân; từ 201-300kWh giá bằng 138% giá bán lẻ điện bình quân; từ 301-400kWh giá bằng 154% giá bán lẻ điện bình quân; và từ 401kWh trở lên có giá bằng 159% giá bán lẻ điện bình quân.
Trường hợp cơ cấu tiêu thụ điện thay đổi, căn cứ mức giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh theo thẩm quyền, giá bán lẻ điện cho các nhóm khách hàng sử dụng điện được phép điều chỉnh trong phạm vi ± 2% so với tỷ lệ được quy định tại Quyết định này.
Đối với giá bán lẻ điện cho nhóm khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, biểu giá điện lần này vẫn chia thành 6 bậc có mức giá tăng dần nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Giá bán lẻ điện sinh hoạt dùng công tơ thẻ trả trước được áp dụng khi điều kiện kỹ thuật cho phép đối với nhóm khách hàng mua điện tạm thời và mua điện ngắn hạn sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt.
Dự thảo cũng nêu rõ: Hộ nghèo theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định được hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt, mức hỗ trợ hằng tháng tương đương tiền điện sử dụng 30kWh tính theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành.
Hộ chính sách xã hội theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định (không thuộc diện hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện theo quy định tại khoản 6 Điều này) và có lượng điện sử dụng cho mục đích sinh hoạt trong tháng không quá 50 kWh được hỗ trợ tiền điện tương đương tiền điện sử dụng 30 kWh tính theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành.
Kinh phí hỗ trợ tiền điện cho các hộ nghèo và hộ chính sách xã hội được trích từ nguồn ngân sách Nhà nước.
Với giá điện bán lẻ bình quân hiện tại 1.622,01 đồng/kWh, có thể thấy mức giá bán lẻ điện sinh hoạt thuộc mỗi bậc thang gần như được giữ ở mức tương đương như cũ, cụ thể từ 1.484-2.587 đồng/kWh.
Video: Bộ Công thương đề xuất 3 tháng thay đổi giá điện một lần
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã yêu cầu Bộ Công thương khẩn trương hoàn thiện phương án điều chỉnh giá điện trình Chính phủ quyết định. Trường hợp cần thiết phải tăng giá điện, cần cân nhắc điều chỉnh ở mức thấp nhất có thể, đồng thời kết hợp đồng bộ với các giải pháp hỗ trợ tăng trưởng khác để bù đắp cho mức giảm tốc độ tăng GDP tương ứng.
Tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg, EVN được điều chỉnh tăng hoặc giảm giá bán điện bình quân trong phạm vi khung giá do Thủ tướng Chính phủ quy định.
Nếu giá điện bình quân giảm so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, EVN có trách nhiệm giảm giá bán điện bình quân ở mức tương ứng.
Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5%, EVN được quyết định điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng.
Sau khi tăng hay giảm giá, Tập đoàn Điện lực Việt Nam lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Tài chính để kiểm tra, giám sát.
Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 5% đến dưới 10%, EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, Bộ Công Thương có trách nhiệm trả lời bằng văn bản để EVN thực hiện.
Bình luận