Ngay giữa TP Vinh, Nghệ An, “thánh bà” ngang nhiên mở điện “ban thuốc tiên cải số mệnh” thu tiền hàng chục năm nay.
Chỉ có con bệnh là lần lượt chết, còn “thánh bà” xây nhà lầu, tậu xe hơi và tiếp tục hoạt động trước sự làm ngơ của chính quyền.
"Thánh" Nghĩa. |
Nước lã, xông hương chữa ung thư
Hàng chục năm nay, tại TP Vinh nổi lên một “thánh bà” tự xưng có thể chữa được các loại bệnh y học tiên tiến “bó tay”, đặc biệt những bệnh nhân bệnh viện trả về như ung thư giai đoạn cuối. Nhiều bệnh nhân trong cơn hoang mang vô độ phải vái tứ phương, đã bị “thánh bà” dẫn dụ, rơi vào cảnh tiền mất, tật mang.
Bà Ngô Thị Tuyên (quê Diễn Châu, Nghệ An) bị ung thư di căn, giai đoạn cuối. Sau những đợt truyền hoá chất tốn kém, kiệt sức. Từng món đồ trong nhà lần lượt được bán để cứu mạng sống.
Nghe đồn có “thánh bà” có tên tục Lê Thị Nghĩa (ở Khối 9, phường Trung Đô, TP Vinh, Nghệ An), gia đình bà Tuyên đã tới để cầu cạnh. Vừa dìu bệnh nhân vào tới ngõ, “thánh bà” lừ mắt quát: “Kiếp trước ăn ở thất đức nên mới bị ra ri. Thờ cúng tổ tiên hiện nay không ra gì. Mau vào điện tạ lỗi. Vào đây phải gọi ta là cô”.
Cả nhà bệnh nhân run như cầy sấy. Từ đấy trở đi, “thánh bà” chỉ ra căn nguyên là phải giải hạn và chữa bệnh bằng cách uống nước lã múc từ chiếc giếng khơi trong sân.
Khi con bệnh và người nhà quỳ sụp trong khói hương nghi ngút, “thánh bà” ngân nga lời kinh tự sáng tác và hát theo lối dân ca xứ Nghệ. Bên cạnh là người chồng gầy còm đang ghi chép “đơn thuốc” tiên. Thuốc gồm: Ba nắm lá ngải cứu, hương nhu, rễ cừa đổ lộn sắc lên uống.
Ngoài ra, hằng ngày xuống điện thờ để lấy lộc hoa quả và nước lã để ăn. Chưa kể, bệnh nhân phải đốt cả nắm hương để hơ xông vào nơi ung thư di căn. Sau một thời gian gặp “thánh bà”, bệnh nhân Tuyên chết, mang theo day dứt vì bị mang tiếng với người nhà là ăn ở thất đức.
Ngôi nhà của vợ chồng bà Nghĩa (được đánh dấu gạch chéo). Ảnh: Trần Ngọc |
Với bài cũ, gặp bất cứ con bệnh nào nhẹ như ghẻ lở hắc lào, lang ben, sài đẹn; nặng như ung thư giai đoạn cuối, “thánh bà” cũng phán là do động mồ, động mả hoặc ăn ở thất đức.
Chưa hết, “thánh bà” còn nói có thể xin bề trên cho con cái bệnh nhân thi đỗ đại học, xin việc. Nếu bệnh nhân nào không nghe lời “thánh”, bề trên sẽ về “vật” chết.
Nhiều bệnh nhân rơi vào vòng luẩn quẩn khi gặp “thánh bà”: Theo thánh thì phải đóng tiền triệu mỗi lần lấy “thuốc”, không theo thì lo sẽ bị thiệt mạng.
Có giai đoạn, một số bệnh nhân từ Hà Nội, Hà Tĩnh, Quảng Bình...bỏ bệnh viện theo đồn thổi kéo tới TP Vinh tìm nhà “thánh bà” để xin thuốc tiên.
Trước việc một số bệnh nhân quá tuyệt vọng, chỉ muốn gửi thân vào vòng tay “thánh bà”, nhóm PV đã về TP Vinh để tìm hiểu về sức hút ma mị của của người đàn bà bí hiểm này.
Gọi vào di động của “thánh” Nghĩa, người nghe máy là giọng nam, nói như quát: “Anh hỏi Nghĩa mô, ai cho số mà điện rứa” rồi dập máy. Sau vài lần liên lạc, người đàn ông kia mới nghe: “Ừ, đúng số bà Nghĩa rồi”. Gặp vợ chồng “thánh”, chúng tôi bịa: “Con bị men gan tăng, chữa nhiều năm, hết Vinh rồi ra Hà Nội vẫn chưa khỏi, mong cô thăm khám. Con được cô Bình giới thiệu”.
Mục thị “thánh bà”
Nhà vợ chồng bà Nghĩa ở ngay giữa khu dân cư đông đúc của khối 9, phường Trung Đô, TP Vinh, dưới chân núi Quyết. Căn nhà 3 tầng, được ốp gạch hồng, những chỗ trống được bịt kín mít bằng các tấm tôn xanh. Sân nhà “thánh” vẽ đủ hình thù kỳ quái: Hai âm binh gác cửa, bức tường đối diện vẽ voi, xung quanh điểm xuyết các hình hoa sen tạo một cảm giác u tịch. Duy chỉ có chiếc ô tô Ford Everet cáu cạnh đỗ ngay trong nhà là đối nghịch với không gian thâm u.
Bà Nghĩa đang làm phép. |
“Thánh” Nghĩa ngồi vắt vẻo, mồm vẩu, tóc cắt ngắn, mặc váy hoa nâu. Nhìn xoáy vào con bệnh, “thánh” nói cộc lốc: “Trông to khoẻ, nhưng da vàng, mắt đục đúng là bị gan”. Không hỏi kết quả kiểm tra xét nghiệm, không cầm tay bắt mạch, bà Nghĩa đột ngột đứng dậy vẫy: “Ra điện, cô xin bề trên xem bệnh cho”. Bà Nghĩa dẫn tôi và đồng nghiệp nữ vào khu điện thờ tối om. Điện thờ chia làm 5 cấp, trên cùng thờ đủ thánh, thần.
|
“Thánh” Nghĩa sờ chỗ này, tôi lại kêu đau chỗ kia. Cuối cùng, khi tôi chốt hạ kêu đau phía bên trái thành bụng, liền bị phán: “Chết rồi, gan bị sần rồi”. Nữ đồng nghiệp bên cạnh thắc mắc, bà nói: “Không xịt thuốc thánh làm sao biết bệnh. Có đi khám bệnh viện cũng thế thôi”. Bất chợt, “thánh” trợn mắt, nói: “Mi có bà dì đi theo, phải làm lễ khấn mà cắt đi”.
Thấy “con bệnh” có vẻ “ngấm đòn” và ngoan ngoãn đặt 500.000 đồng tiền lễ vào mâm ngũ quả, bà Nghĩa nói như lên đồng: “Bây giờ bệnh nhẹ, về lấy ngải cứu với nghệ sắc lên mà uống. Sau này, cần thì làm lễ, mỗi lễ chỉ dăm ba triệu. Bệnh nặng thì đến đây xoa thuốc, cho ăn hoa quả lộc, lộc lá trên bàn thờ”. Bà Nghĩa còn “chém gió”, khắp Nghệ An, Hà Tĩnh, nhiều gia đình có người bệnh nặng biết đến bà. Các huyện trong tỉnh, thậm chí con bệnh từ Nga cũng đưa về cậy nhờ bà. Ngày bà bận, người theo bà ngồi dày đặc, lạy trước điện mong bề trên châm chước.
“Thánh” cũng... nhập viện
Dù vợ chồng bà Nghĩa “nổi tiếng”, vươn tay ra tận Hà Nội và các tỉnh thành khác, nhưng kỳ lạ là chính quyền địa phương hầu như không có phản ứng gì. Phó chủ tịch UBND TP Vinh phụ trách Văn hoá – Xã hội Nguyễn Trung Châu nói: “Chưa nghe báo cáo, không cần phỏng vấn, tôi sẽ cho kiểm tra ngay”. Nhóm PV gặp ông Từ Hoa Lam, Phó chủ tịch UBND phường Trung Đô (cũng phụ trách mảng văn hoá), ông này nói: “Chúng tôi chỉ biết bà Nghĩa lập điện thờ để phục vụ tín ngưỡng gia đình, chưa nghe chuyện bà chữa bệnh”.
Điện thờ trong nhà bà Nghĩa. |
Trong khi đó, Phó chủ tịch khác của UBND phường này là ông Nguyễn Tất Thảo - nhà đối diện cổng “thánh” Nghĩa. Ông Thảo xác nhận có biết việc bà Nghĩa thờ cúng kèm theo chữa bệnh, bói toán. Nhưng vị Phó chủ tịch này nói: “Người dân ở đây không theo bà Nghĩa, cũng không báo với chính quyền vì việc chữa bệnh của nhà bà Nghĩa không ảnh hưởng đến ai. Xóm có việc, bà đều ủng hộ dăm ba triệu nên ít người ý kiến”.
Ông Thảo cung cấp thêm: Dù nhận chữa cho người khác, nhưng nhiều lần, chính “thánh sống” cũng phải nhập viện. “Tết vừa rồi, bà Nghĩa suy nhược cơ thể phải nhờ tôi đưa đi bệnh viện cấp cứu”- ông Thảo nói. Tuy tuyên bố chữa được bệnh nan y cho chúng sinh, nhưng chính nhà bà đang có 2 đứa cháu có biểu hiện tự kỷ, thiểu năng trí tuệ nhiều năm vẫn chưa chữa được.
Làm việc với công an phường Trung Đô cho thấy, gia đình vợ chồng bà Nghĩa có một bản hồ sơ nhân khẩu khá đẹp. Vợ tên đầy đủ là Lê Thị Nghĩa, chồng là Hồ Sỹ Thọ, quê quán ở huyện Hưng Nguyên, Nghệ An. Hai vợ chồng có 3 con trai. Con thứ 2 định cư ở Mỹ. Thậm chí, một người con trai đang là sỹ quan quân đội. Tuy nhiên, thông tin về hoạt động mê tín dị đoan, lừa đảo của bà Nghĩa hầu như cơ quan công an không biết. Cho dù, nguồn tin xác nhận, công an phường đã mời bà Nghĩa lên làm việc một lần từ nhiều năm trước về hoạt động mê tín dị đoan.
Bình luận