• Zalo

Chưa tốt nghiệp cấp 3 nhưng vẫn có bằng tiến sĩ, bị xử lý thế nào?

Tuyển sinhThứ Tư, 14/08/2024 07:48:56 +07:00Google News
(VTC News) -

Những trường hợp chưa tốt nghiệp cấp 3 nhưng vẫn có bằng cử nhân, tiến sĩ sẽ bị xử lý theo quy định.

Theo Điều 25, Thông tư 21 của Bộ GD&ĐT ban hành năm 2019 (quy chế quản lý bằng tốt nghiệp THCS, bằng tốt nghiệp THPT, bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm, bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, văn bằng giáo dục đại học và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân), văn bằng, chứng chỉ bị thu hồi, hủy bỏ trong các trường hợp sau đây:

- Có hành vi gian lận trong tuyển sinh, học tập, thi cử, bảo vệ đồ án, khóa luận tốt nghiệp, luận văn, luận án hoặc gian lận trong việc làm hồ sơ để được cấp văn bằng, chứng chỉ

- Cấp cho người không đủ điều kiện

- Do người không có thẩm quyền cấp

- Bị tẩy xóa, sửa chữa

- Để cho người khác sử dụng

- Do lỗi của cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ.

Chưa tốt nghiệp cấp 3 nhưng vẫn có bằng tiến sĩ, bị xử lý thế nào?

Chưa tốt nghiệp cấp 3 nhưng vẫn có bằng tiến sĩ, bị xử lý thế nào?

Thông tư quy định, cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ chịu trách nhiệm thu hồi, hủy bỏ văn bằng, chứng chỉ. Bộ trưởng GD&ĐT quyết định việc thu hồi, hủy bỏ văn bằng, chứng chỉ hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền thu hồi, hủy bỏ văn bằng, chứng chỉ trong các trường hợp khác.

Khi thu hồi, hủy bỏ văn bằng, chứng chỉ, cơ quan có thẩm quyền phải nêu rõ lý do thu hồi, hủy bỏ. Quyết định được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền, được gửi đến người bị thu hồi văn bằng, chứng chỉ, cơ quan kiểm tra phát hiện sai phạm (nếu có). Đồng thời quyết định này cũng được gửi đến cơ quan người bị thu hồi văn bằng, chứng chỉ đang công tác (nếu có) và các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Cũng theo quy định của Bộ GD&ĐT, đối với tuyển sinh và đào tạo trình độ cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ, trường hợp học viên có hành vi gian lận trong việc làm hồ sơ để được cấp văn bằng, chứng chỉ (sử dụng bằng giả trong hồ sơ đăng ký) thì sẽ bị buộc thôi học. Các văn bằng nếu được cấp sẽ bị thu hồi, hủy bỏ theo quy định.

Nghị định 04 của Chính phủ ban hành năm 2021 cũng quy định rõ việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. "Tùy theo hành vi cụ thể mà người sử dụng bằng giả có thể bị xử phạt vi phạm về hành vi gian lận để được cấp văn bằng, chứng chỉ hoặc bản sao văn bằng, chứng chỉ với mức phạt từ 30 triệu đến 40 triệu đồng" - (Khoản 3, Điều 21 Nghị định 04).

Minh Khôi
Bình luận
vtcnews.vn