Bệnh viện Nội tiết Trung ương vừa cấp cứu thành công bệnh nhân N.X.T. (82 tuổi, trú tại Hà Nam) do chữa tiểu đường sai phương pháp.
Gia đình cho biết, cụ T. bị tiểu đường 27 năm nay, mặc dù không còn minh mẫn, nhưng do được chăm sóc chu đáo, nên bệnh tình luôn được kiểm soát tốt.
Thời gian gần đây, anh trai cụ T. có mua về một “cặp đá kỳ diệu” để dùng với mục đích chữa khỏi bệnh. Tin lời nên cụ T. sử dụng.
Đâu ngờ, viên đá chính là nguyên nhân khiến cụ phải nhập viện khẩn cấp trong tình trạng bỏng nặng. Trong một lần thấy chân chồng bị sưng tím, vợ cụ T. đã lấy cặp đá "kỳ diệu" cho vào lò vi sóng với nhiệt độ cao trong thời gian 5 phút rồi đắp lên chân chồng.
Chườm đươc 30 phút, cụ T. bị tăng huyết, mặt đỏ lựng. Khi con trai phát hiện và đưa cụ tới viện thì chân cụ đã bị bỏng nặng, xuất hiện những mảng phồng rộp lớn, nguy kịch.
Rất may, sau một thời gian cấp cứu, điều trị tích cực, cụ T. đã qua cơn nguy kịch, sức khỏe đang dần ổn định.
Sự thật về loại đá chữa tiểu đường
Sản phẩm "cặp đá kỳ diệu" bao gồm hai viên đá được quảng cáo là đá bazan, gia công dưới dạng thỏi phẳng, một đôi găng tay, một chiếc khăn mặt bông. Sản phẩm được bán với nhiều mức giá trên thị trường, giao động từ 260.000 đồng đến 700.000 đồng.
Với những lời quảng cáo có cánh như: “chườm gan, chườm thận, chườm đa năng, giúp đả thông bế tắc mao mạch ngoại vi, lưu thông máu huyết...”, sản phẩm này được nhiều người mua và sử dụng hàng ngày.
Cách sử dụng của nó cũng rất đơn giản: luộc trong nước sôi 20 phút hoặc hâm nóng bằng nhiệt độ cao 2-5 phút trong lò vi sóng rồi chườm vào các bộ phận trên cơ thể.
Tuy quảng cáo là thế, nhưng bác sĩ cho biết, chưa có nghiên cứu nào chỉ ra tác dụng của “cặp đá thần kỳ” đối với việc chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe. Do tâm lý đám đông và tin lời giới thiệu truyền từ người này sang người khác, sản phẩm này đã được nhiều người dân, trong đó cả người bị tiểu đường mua về để sử dụng.
Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Thiện - Phó Trưởng Khoa Chăm sóc bàn chân, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, với bệnh nhân tiểu đường, biến chứng thần kinh ngoại vi khiến người bệnh tê bì, mất cảm giác nóng lạnh. Vì vậy, khi sử dụng đá chườm, người bệnh không cảm nhận được sức nóng của đá, gây bỏng nghiêm trọng mà vẫn không biết.
Qua ca bệnh trên, bác sĩ Thiện đưa ra lời cảnh báo đối với người bệnh, việc chườm nóng, dùng nhiệt điều trị chứng tê bì cần hết sức thận trọng và phải được kiểm soát chặt chẽ nếu không sẽ để lại những hậu quả rất nghiêm trọng. Bởi vậy, không nên sử dụng phương pháp này đối với bệnh nhân bị tiểu đường để tránh những tai nạn, biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Video: Ngâm nước lá chữa tiểu đường, suýt cụt chân
Bình luận