• Zalo

'Chưa nhận sổ hưu đã chết, bảo hiểm cái gì?'

Thời sự Thứ Sáu, 30/05/2014 11:05:00 +07:00Google News

(VTC News) - Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng còn nhiều điểm bất hợp lý trong Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi.

(VTC News) - Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng còn nhiều điểm bất hợp lý trong Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi.

Bên lề Quốc hội, ông Đỗ Văn Đương - Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã chia sẻ thú vị xung quanh Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi.

- Ông nhận định như thế nào về những điểm bất hợp lý trong Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi lần này?

Đại biểu Đỗ Văn Đương
Đại biểu Đỗ Văn Đương 
Đúng là có thực tế chúng ta lo ngại đến năm 2021 thu không đủ chi. Đến năm 2034 theo dự báo của quốc tế sẽ vỡ quỹ Bảo hiểm xã hội.


Tôi thấy mỗi luật lại có xuất phát riêng của ngành đó. Đơn cử như cơ quan bảo hiểm cứ nhăm nhăm làm sao cho quỹ Bảo hiểm xã hội không bị vỡ, chắc chắn trong đó có tổ chức bộ máy, chi phí của những người làm công tác bảo hiểm.

Người ta không thấy tầm vĩ mô, đặt bảo hiểm trong tổng thể của chế độ chính sách đối với cán bộ công chức, người lao động nói chung.

Và có thể nhìn nhận một cách sơ bộ, thoáng qua có thể thấy Luật này đánh vào người lao động.

Từ nâng thời gian đóng Bảo hiểm xã hội liên tục từ 15 lên 20 năm liên tục mới được hưởng, rồi hưởng mức thấp hơn, nâng tuổi lao động đối với những người lao động nặng nhọc như công nhân trong hầm mỏ, ngành hóa chất độc hại thì người ta muốn nghỉ sớm chứ không muốn làm lâu đâu. Nhiều người “chưa nhận sổ hưu đã chết rồi” thì bảo hiểm cái gì?

Việc nâng tuổi nghỉ hưu của nam lên 62, nữ lên 60 đối với đội ngũ công chức, viên chức hưởng lương ngân sách nhà nước cũng phải tính cụ thể hơn.

 

Công nhân trong hầm mỏ, ngành hóa chất độc hại thì người ta muốn nghỉ sớm chứ không muốn làm lâu đâu. Nhiều người chưa nhận sổ hưu đã chết rồi thì bảo hiểm cái gì?

 
Bởi việc tăng tuổi nghỉ hưu liên quan đến việc trả lương của ngân sách Nhà nước chứ không chỉ tính đến việc thu bảo hiểm.
Nếu công tác càng dài, thì trả lương hàng tháng càng cao.

Nhất là đối với những người có chức vụ quyền hạn thì họ rất thích điều này.


Các công chức chức vụ hành chính như: Giám đốc các sở, ban ngành, Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh là những người muốn ngồi đó. Người ta không vì đồng lương hay bảo hiểm mà là bổng lộc, thu nhập ngoài lương nhiều, nhất là trong cơ chế của mình hiện nay.

Công chức phải cần mẫn “như con tằm ăn phải nhả tơ. Con ong phải nhả mật” thì tiếp tục dùng. Nhất là những chuyên gia có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao.

- Tức là ông cho rằng không nên tăng tuổi nghỉ hưu với công chức, viên chức?


Chuyện nâng tuổi nghỉ hưu phải đặt trong bối cảnh liên quan đến khai thác sử dụng lao động. Tôi thống nhất như trong Bộ Luật lao động sửa đổi quy định tăng tuổi nghỉ hưu đối với lao động trình độ cao, và những chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực.

Còn công chức, viên chức, những người trưởng thành từ công tác đoàn, bầu cử mà lên như Bí thư, Chủ tịch UBND toàn chỉ tay năm ngón, thì không nên tăng mà nên cho về sớm.

Chứ không “nhả mật, nhả tơ mà cứ lấy lấy mật, cắn tơ” của người khác, của Nhà nước đem xây tổ nhà mình thì cái đó không nên.

- Việc nâng tuổi nghỉ hưu phải tính toán như thế nào, thưa ông?

 

Phải nhường cơm sẻ áo để họ bảo vệ biên giới, bảo vệ chủ quyền thì mới yên tâm mà sống và làm ăn, chứ không ông ngồi đây mà ông khác bảo vệ ông để ông hưởng thụ à?

Đại biểu Đỗ Văn Đương
 
Việc nâng tuổi lên là cần phải cân nhắc, con tằm nhả tơ, con ong nhả mật thì tiếp tục khai thác sử dụng. Một người có thể thay thế hàng trăm người. Phải là lao động chất lượng cao làm việc thực sự chứ không phải nói mồm, ăn bám.


Tôi đã từng nói phải giảm thiểu biến chế, giảm thiểu mà giờ lại phải cõng bộ máy này thì dân chết. Ngồi điều hòa, máy lạnh, rồi tham quyền cố vị. Đây chính là điều người dân lo lắng nhất.

Bây giờ hỏi Giám đốc các Sở, ngành rồi Thứ trưởng, Bộ trưởng xem.
Ông nào chả muốn kéo dài tuổi nghỉ hưu. Họ sống không phải vì lương mà là bổng lộc, thu lợi từ vị trí công tác liên quan đến độ tuổi nghỉ hưu.

Do đó phải cân nhắc, và theo tôi nên theo tinh thần của Bộ Luật lao động là chỉ tăng tuổi nghỉ hưu đối với lao động trình độ cao, giàu kinh nghiệm biết “nhả tơ, nhả mật” cho xã hội thì mới dùng chứ không được cào bằng.

Trong xây dựng Luật hiện rất cào bằng về chính sách. Cứ nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi mới nghỉ hưu là không được. Chỉ nhằm vào quỹ bảo hiểm có vỡ hay không cũng là nhóm lợi ích trong việc xây dựng chính sách pháp luật.
Đại biểu Đỗ Văn Đương cho rằng nhân viên Bảo hiểm xã hội hưởng mức phụ cấp gần bằng lực lượng vũ trang là bất hợp lý 

- Các nhân viên làm Bảo hiểm xã hội mức lương gần ngang với lực lượng vũ trang khi hệ số là 1,8. Nhiều ý kiến cho rằng cần điều chỉnh lại?

Đúng thế, tôi hoàn toàn đồng ý. Phải điều chỉnh cho thấp hơn rất nhiều. Trong điều kiện hiện nay phải ưu tiên những người trực tiếp chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Tới đây trong các luật khác tôi sẽ nói về vấn đề này.

Chiến sỹ suốt ngày quần thảo với địch trên biển Đông, ở biển đảo, ở vùng biên giới xa xôi. Những chiến sỹ này phải đi hàng mấy trăm km đường rừng như thế, không được về thăm vợ con, trong khi có người ngồi hành chính máy lạnh lại lương bằng họ.

Đó chính là cào bằng về mặt chính sách. Chính sự cào bằng về mặt chính sách như thế này làm bất bình đẳng, tạo ra sự phẫn nộ.

Phải nhường cơm sẻ áo để họ bảo vệ biên giới, bảo vệ chủ quyền thì mới yên tâm mà sống và làm ăn, chứ không ông ngồi đây mà ông khác bảo vệ ông để ông hưởng thụ à? Chỉ bảo vệ cho ông khác ở nhà ăn à?

Thế thì làm sao lôi cuốn được tuổi trẻ, làm sao lôi cuốn được sức lao động ra bảo vệ chủ quyền để mà xây dựng kinh tế. Phải nên nhớ rằng nước mất thì nhà tan. Cái chung mà không giải quyết thì đừng giải quyết cái riêng.

- Chúng ta sẽ phải giải quyết như thế nào đối với việc nợ đọng Bảo hiểm xã hội, thưa ông?

Tiền nợ đọng Bảo hiểm xã hội của các cơ quan doanh nghiệp tới 70% không được xử lý thỏa đáng. Tôi cho rằng đây thực sự là chiếm đoạt tiền bảo hiểm.

Tiền chiếm đoạt của người khác là phải truy tố hình sự. Chứ không được xử lý hành chính, rồi phạt với lãi suất thấp hơn lãi suất ngân hàng.

Phạt thì thấp, số tiền chiếm đoạt lại lớn, đến lúc phá sản người lao động không biết dựa vào đâu cả, và nhà nước bị mất, suy cho cùng đó cũng là tiền của nhà nước, vì nhà nước vẫn phải đảm bảo an sinh xã hội.

- Xin cám ơn ông!

Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn