Bù hơn 200 triệu đồng vào cửa hàng cà phê Điểm hẹn nằm trên đường Nguyễn Trãi (Hà Nội) sau khi dịch COVID-19 lắng xuống, chị Lê Thị Hợp (Thanh Xuân, Hà Nội) đang cố gắng chạy quảng cáo, phát tờ rơi chương trình khuyến mãi nhằm thu hút khách quay trở lại. Nhưng tình hình mới sáng sủa hơn được một vài tháng thì đợt dịch thứ 2 bùng phát trở lại khiến mọi hy vọng của chị Hợp tiêu tan.
"Đợt dịch đầu năm, quán phải nằm im mất 2 tháng trời, chi phí mặt bằng, nhân công và những thứ khác khiến tôi phải bù lỗ mỗi tháng cả trăm triệu đồng. Doanh thu mỗi tháng từ 150 triệu đồng bỗng chốc về con số 0 khiến tôi lao đao. Tiền nợ ngân hàng vẫn phải trả đều trong khi hơn 2 tỷ đầu tư vào quán chưa kịp thu hồi. Giờ đây, khi vừa nhen nhóm cơ hội sống sót thì đợt dịch này lại ập đến, khiến hơn một tuần nay khách thưa thớt hẳn.
Tình hình này nếu kéo dài chắc tôi phải đóng cửa, trả mặt bằng và thanh lý quán chứ không còn nguồn tiền để duy trì. Tôi cũng đã làm việc lại với chủ nhà để thương thảo lại hợp đồng hoặc trả lại một nửa mặt bằng để cho người khác thuê để giảm chi phí", chị Hợp chia sẻ.
Nhiều cửa hàng, quán ăn khác cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Mặc dù có cửa hàng nằm tại vị trí đắc địa, ngay cạnh khu văn phòng sầm uất trên đường Kim Ngưu (quận Hai Bà Trưng) nhưng cửa hàng ăn của chị Thương nay cũng phải thu hẹp. Chị Thương cho biết, trước đây cửa hàng luôn phải có 3 nhân viên mới làm hết được việc và phục vụ kịp cho khách những giờ cao điểm như buổi trưa. Nhưng nay khách vắng hẳn nên cửa hàng cắt giảm chỉ còn hai nhân viên làm luân phiên. Tức mỗi nhân viên chỉ làm 3 ngày một tuần và nghỉ 3 ngày còn lại.
Để chứng minh về tình hình kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề, vị chủ quán này thông tin, trước đây chỉ tính riêng 8h đến 11h, cửa hàng bán được 50 - 80 suất ăn cho khách, cao điểm nhất là vào buổi trưa thì con số này lên tới 150 - 200 suất ăn. Tuy nhiên, hiện tại mỗi buổi sáng chỉ bán được 10 - 20 suất ăn, buổi trưa hôm nào đông lắm cũng chỉ được 80 suất ăn, giảm gần 2/3 so với trước đây.
"Với số lượng hàng bán được chậm như vậy nên tôi phải cắt giảm nhân viên, thậm chí cắt giảm những món ăn không đem lại hiệu quả kinh doanh cao. Từ cửa hàng bán đủ loại nay tôi chỉ tập trung vào làm bún để hạn chế chi phí tối đa nhằm duy trì cửa hàng. Tôi chỉ mong đợt dịch này sớm qua và Nhà nước khống chế thật tốt để không phải giãn cách xã hội và cuộc sống sớm trở lại bình thường", chị Thương ngán ngẩm chia sẻ.
Là loại hình kinh doanh chịu "tác động kép" không chỉ bởi dịch COVID-19 mà do Nghị định 100 về phòng chống tác hại của rượu bia, nhiều cửa hàng bia hơi hơn nửa năm nay đang vật lộn để duy trì. "Khó khăn chồng chất khó khăn, nếu như những cửa hàng khác chỉ phải bù lỗ mấy tháng giãn cách xã hội thì quán của chúng tôi từ đầu năm đến nay chỉ hoạt động cầm chừng, doanh thu không đủ bù đắp chi phí vận hành và phải bù lỗ liên tục. Tháng nào may mắn thì hòa vốn. Do tiền đổ vào đây nhiều nên cũng chưa thể rút ra được", anh Lê Duy Minh, quản lý một cửa hàng bia trên đường Láng nói.
"Sau đợt dịch đầu năm, khoảng hơn một tháng nay do vào mùa cao điểm nên tình hình kinh doanh có khấm khá hơn, tháng vừa rồi cũng được hơn 100 triệu đông, sau khi trừ chi phí cũng dôi dư ra được một chút. Nhưng kể từ khi có thông tin dịch bệnh bùng phát lại ở Đà Nẵng và nhiều nơi, trong đó ở Hà Nội cũng có ca nhiễm bệnh, khách e dè hơn khi đến những nơi công cộng. Thường thì khách sẽ đặt bàn kín chỗ vào cuối tuần nhưng tuần rồi cũng chỉ có vài ba khách đặt trước. Thậm chí sát giờ cao điểm buổi chiều nhân viên vẫn ngồi chơi vì không có khách, khác hẳn với trước kia", vị này thông tin.
Bình luận