• Zalo

Xót xa vì lợn bệnh, người dân mất thêm tiền tiêu hủy: Chính quyền chỉ đạo cấm thu tiền

Thời sựThứ Ba, 30/07/2019 07:40:00 +07:00Google News

UBND huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam yêu cầu các xã, thị trấn tuyệt đối không thu tiền tiêu hủy lợn bệnh của người chăn nuôi.

Ngày 30/7, Văn phòng UBND huyện Thăng Bình cho biết, Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình – ông Nguyễn Văn Húy vừa ký công văn gửi UBND các xã, thị trấn về việc chấn chỉnh tình trạng thu tiền của người chăn nuôi trong quá trình tiêu hủy lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi.

chon-lon (1)

UBND huyện Thăng Bình yêu cầu các xã, thị trấn tuyệt đối không thu tiền tiêu hủy lợn bệnh của người chăn nuôi.

Theo nội dung công văn, đến thời điểm hiện tại, 22 xã và thị trấn của huyện Thăng Bình xuất hiện dịch tả lợn châu Phi với tốc độ lây lan rất nhanh.

Một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng môi trường; việc tiêu hủy lợn bệnh chưa đúng quy trình kỹ thuật. Đặc biệt, trong quá trình vận chuyển có thu tiền công của người chăn nuôi.

Trước tình hình trên, UBND huyện Thăng Bình yêu cầu các xã, thị trấn tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của cấp trên về công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi và cơ chế chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức kinh phí hỗ trợ trong phòng chống dịch tả lợn châu Phi.

Tuyệt đối không thu tiền của người chăn nuôi trong công tác phòng chống dịch và tiêu hủy lợn mắc bệnh. Nếu địa phương nào thu tiền công vận chuyển lợn mắc bệnh thì phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện.

Trước đó, người dân ở xã Bình Triều (huyện Thăng Bình) bức xúc khi phải đóng 200.000 - 300.000 đồng để chi trả cho lực lượng vận chuyển lợn bệnh đi tiêu hủy.

Đơn cử như trường hợp của cụ Hồ Thị Ch. (trú thôn 2). Cách đây vài ngày, cụ Ch. hốt hoảng khi chứng kiến 2 con lợn nhà mình bất ngờ lăn đùng ra chết.

Chưa vơi sự tiếc nuối mất lợn, cụ bà lại sửng sốt khi phải nộp 500.000 đồng cho những người phụ trách vận chuyển lợn đi tiêu hủy tại địa phương.

“Theo tôi được biết, khi lợn nhiễm bệnh, xã có trách nhiệm giúp dân tiêu hủy. Đằng này, dân vừa mất lợn lại phải đóng thêm tiền chi trả cho lực lượng vận chuyển đi tiêu hủy. Thậm chí, việc thu tiền cũng không có hóa đơn, chứng từ gì cả”, cụ Ch. giãi bày.

chon-lon (3)

Một điểm tiêu hủy lợn bệnh ở xã Bình Triều.  

Trong khi đó, một người dân ở thôn 1 cho hay: “Các xã lân cận cũng xảy ra tình trạng lợn nhiễm bệnh và phải tiêu hủy, thế nhưng người dân không cần đóng tiền. Vậy mà bà con ở đây chịu mức phí từ 200.000 - 300.000 đồng/con, tùy vào cân nặng. Hôm rồi, hộ của tôi có 3 con lợn dưới 100kg bị bệnh, vậy là tôi phải đóng 600.000 đồng cho đội vận chuyển tiêu hủy”.

Đề cập đến vấn đề đang khiến người dân phẫn nộ, ông Nguyễn Ba - Chủ tịch UBND xã Bình Triều xác nhận, tới thời điểm hiện tại, địa phương thu của dân khoảng 125 triệu đồng để chi trả cho những người tham gia thu gom, chôn lấp lợn chết.

“Tôi thừa nhận, việc thu tiền của người dân là không đúng với quy định. Tuy nhiên, Nhà nước chưa cấp tiền chi trả cho số lao động vận chuyển lợn đi tiêu hủy nên chính quyền địa phương đành thu tiền của người dân để chi trả. Sau này, nhà nước rót tiền thì sẽ trả lại cho người dân", ông Ba giải thích.

   

THANH BA
Bình luận
vtcnews.vn