Cây củ đậu là một loại cây leo, có rễ củ hình như con quay lớn. Lá kép gồm 3 lá chét, mỏng, hình quả trám dài 4-8 cm. Hoa của cây màu tím nhạt, khá lớn, mọc thành chùm dài ở kẽ lá. Quả hơi có lông, không cuống, dài 12cm, rộng 12mm, ở khe các hạt hơi lõm xuống. Trong quả có tới 9 hạt, đường kính chừng 7mm, hình thấu kính. Hạt cứng khó giã nhỏ.
Củ đậu có đến 80-90% là nước, 4,51% đường glucoza, 2,4% tinh bột. Ngoài ra, củ đậu còn chứa nhiều chất dinh dưỡng, vitamin và muối khoáng khác như: sắt, canxi, photpho, vitamin C... cần thiết cho cơ thể. Trái ngược với các chất dinh dưỡng trong củ, hạt và lá của cây củ đậu có các chất độc tên là rotenon và tephrosin không thể ăn được, thường được dùng để sản xuất thuốc trừ sâu và chữa bệnh ngoài da (ghẻ, lở).
Nếu ăn phải hạt của cây củ đậu bệnh nhân sẽ có biểu hiện ngộ độc từ phút thứ 5 đến phút thứ 40. Triệu chứng có thể tiến triển nhanh, nếu nặng có thể tử vong trong thời gian từ 2 đến 5 giờ. Nếu được kiểm soát tốt, triệu chứng nặng nề nhất có thể hết sau 4-7 giờ.
Biểu hiện ngộ độc hạt của cây củ đậu bao gồm: đau bụng, nôn, ỉa chảy, tăng tiết nước bọt, nhịp tim nhanh, huyết áp tăng sụt bất thường. Thậm chí, ngừng tuần hoàn trong cơ thể diễn ra rất nhanh, đồng tử giãn…
Có một số trường hợp đã ngộ độc do ăn nhầm phải hạt củ đậu. Ngày 17/12/2014, sau khi luộc hạt củ đậu để ăn, 4 người ở Phú Thọ ngộ độc nặng, trong đó có 1 người tử vong sau khi ăn 3 ngày.
Sau ăn vài giờ, tất cả đều có biểu hiện đau bụng, nôn, ỉa chảy. Triệu chứng tiêu hóa kéo dài đến hai ngày sau. Trường hợp nặng nhất xuất hiện mệt mỏi, tê tay chân và nhập bệnh viện huyện điều trị khoảng 12 giờ sau khi ăn.
Sau khi xuất hiện ngừng tuần hoàn, bệnh nhân được chuyển lên bệnh viện tỉnh Phú Thọ trong tình trạng hôn mê sâu, tụt huyết áp, không đáp ứng thuốc vận mạch, suy hô hấp phải đặt ống nội khí quản thở máy. Bệnh nhân đã được truyền natribicarbonat, lọc máu liên tục nhưng không đáp ứng, và tử vong ở ngày thứ 3 sau khi ăn.
Video: Cách xử lý khi trẻ bị ngộ độc
Bình luận