Cách đây vài trăm năm, trước khi con người có được sự trợ giúp của máy móc hạng nặng, người xưa đã có thể xây dựng được ngôi chùa trên đỉnh núi Phạn Tịnh cao 2.493 m, cũng là đỉnh cao nhất của dãy Vũ Lăng Sơn nổi tiếng ở Trung Quốc.
Theo nhiều ghi chép, ngôi chùa được xây dựng trong triều đại nhà Minh (1368 - 1644). Chùa gồm hai điện thờ chính, một bên thờ phật Thích Ca Mâu Ni được đặt tên Thích Ca Mâu Ni Điện, một bên thờ phật Di Lặc nên được đặt là Di Lặc Điện.
Hai điện thờ được nối liền với nhau bằng một cây cầu đá. Với công nghệ thô sơ ở thời phong kiến cổ đại, việc tại sao người ta có thể vác các khối đá lớn cũng nhiều vật liệu xây dựng nặng khác lên đỉnh núi cao gần 2.500 m với nhiều đoạn dốc gần như thẳng đứng, vẫn còn là bí ẩn.
Trải qua hơn 500 năm, ngôi chùa trên đỉnh Phạn Tịnh đã được trùng tu và gia cố nhiều lần để chống lại hiện tượng phong hóa cũng môi trường khắc nghiệt trên cao. Tuy nhiên, chùa vẫn được giữ nguyên được bản thể kiến trúc ban đầu.
Ngày nay, ngôi chùa trở thành một biểu tượng quan trọng của văn hóa Phật giáo Trung Quốc, thu hút các tín đồ và khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới đến chiêm bái.
Đường đi lên núi rất khó khăn và trắc trở. Du khách chỉ có thể leo bộ qua hơn 8.000 bậc thang đá nhân tạo.
Có những đoạn đường vô cùng gập ghềnh, hiểm trở và phải mất khoảng hơn 4 giờ đồng hồ để leo lên đến đỉnh.
Núi Phạn Tịnh sở hữu hệ sinh vật đa dạng, là môi trường sống của hơn 2.000 loài thực vật đặc hữu và hàng trăm động vật quý hiếm, do đó ngọn núi này đã được chính phủ Trung Quốc quy hoạch thành khu bảo tồn thiên nhiên của tỉnh Quý Châu và được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 2018.
Để bảo tồn hệ sinh thái, núi Phạn Tịnh hạn chế lượng khách tham quan mỗi ngày. Đặc biệt, người già và trẻ nhỏ được khuyến cáo không nên leo lên đỉnh núi.
Bình luận