Điều chưa có tiền lệ
Cuối năm 2019, lãnh đạo Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia đã có chuyến công tác đến Ninh Thuận để kiểm tra công tác xây dựng đường dây giải tỏa công suất các nhà máy điện mặt trời. Trong buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận, vấn đề tư nhân làm đường dây truyền tải cũng được đặt ra.
Điển hình là Tập đoàn Trung Nam ngoài việc muốn làm dự án điện mặt trời 450 MW còn muốn thay Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) đầu tư trạm biến áp 500 kV Thuận Nam và đường dây 500 kV Thuận Nam - Vĩnh Tân dài 15,5km (xem thêm tại đây).
Tại cuộc họp đó và nhiều buổi hội thảo khác liên quan chủ đề này, vấn đề tư nhân có được làm đường dây truyền tải hay không được đặt ra bởi theo quy định tại Luật Điện lực, Nhà nước độc quyền truyền tải. Cùng làm việc với NPT, ông Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch tỉnh Ninh Thuận, ủng hộ nhà đầu tư làm điều chưa từng có tiền lệ này. Trong khi đó, nút thắt “Nhà nước độc quyền truyền tải” khiến Bộ Công Thương cũng chưa yên tâm.
Mới đây, ngày 31/3/2020, Bộ Công Thương có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ xây dựng Tờ trình của Chính phủ và dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải thích Luật Điện lực nội dung Nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải.
Theo Bộ Công Thương, trong thời gian Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đang xây dựng, chưa ban hành để có thể cho tư nhân đầu tư dự án truyền tải, Thủ tướng Chính phủ cần xem xét, kiến nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết giải thích làm rõ quy định tại Luật Điện lực về độc quyền nhà nước trong hoạt động truyền tải theo hướng “nhà nước chỉ độc quyền trong quản lý, vận hành lưới điện truyền tải”.
Trường hợp Luật PPP ban hành, có hiệu lực, trong đó cho phép đầu tư tư nhân lưới điện truyền tải thì việc đầu tư tư nhân có thể áp dụng luật này.
Theo Bộ Công Thương, việc ban hành Nghị quyết giải thích độc quyền nhà nước về hoạt động truyền tải trong Luật Điện lực sẽ tránh mâu thuẫn giữa Luật Điện lực và Luật PPP về việc tư nhân đầu tư lưới điện truyền tải. Tuy nhiên, Bộ Công Thương lo ngại việc giải thích độc quyền nhà nước trong hoạt động truyền tải có thể dẫn đến cách hiểu không thống nhất về cụm từ này trong Luật Điện lực, đặc biệt là quy định về cấp phép hoạt động truyền tải và quy định về quyền và nghĩa vụ của đơn vị truyền tải.
Phân cấp cho dễ làm
Liên quan đến tư nhân làm đường dây truyền tải, theo EVNNPT, cần xác định rõ phạm vi giữa Hệ thống truyền tải điện quốc gia và Hệ thống truyền tải điện phục vụ đấu nối từ các nhà máy điện/cụm nhà máy điện tới điểm đấu nối vào Hệ thống truyền tải điện quốc gia.
Nếu chỉ ban hành Nghị quyết về giải thích độc quyền nhà nước trong hoạt động truyền tải tại Luật Điện lực sẽ chưa giải quyết được tổng thể các vấn đề, mà cần phải nghiên cứu toàn diện các quy định tại Luật Điện lực để sửa đổi cho phù hợp, tránh mâu thuẫn nội tại trong Luật Điện lực”, Bộ Công Thương nêu rõ và đề nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan hoạt động truyền tải trong Luật Điện lực (nếu cần thiết).
Với hệ thống truyền tải phục vụ đấu nối từ các nhà máy điện, EVNNPT đề xuất Bộ Công Thương xem xét Nhà nước có thể không độc quyền trong cả lĩnh vực đầu tư và quản lý vận hành. Bởi vì về cơ bản lưới điện này chỉ mang tính cục bộ và có phạm vi ảnh hưởng không lớn khi có sự cố xảy ra.
Song, với Hệ thống truyền tải điện quốc gia, EVNNPT có quan điểm khác. Đơn vị này đánh giá đây là hệ thống mang tính xương sống và huyết mạch của Hệ thống điện quốc gia, đóng vai trò đặc biệt quan trọng quyết định trong việc đảm bảo an ninh năng lượng. Quá trình đầu tư và quản lý vận hành đối với hệ thống này đều phải tuân thủ theo các tiêu chuẩn, quy trình, quy định nghiêm ngặt, chặt chẽ để đảm bảo chất lượng, tính đồng bộ về thiết bị, ghép nối,... và đảm bảo sự an toàn, ổn định, tin cậy trong quá trình quản lý vận hành.
“Đối với Hệ thống truyền tải điện quốc gia, Nhà nước cần độc quyền trong cả lĩnh vực đầu tư và quản lý vận hành”, EVNNPT đúc kết.
Với lưới điện truyền tải mang tính xương sống của quốc gia, Bộ Công Thương cũng tỏ rõ sự băn khoăn khi đặt vấn đề có cho phép tư nhân đầu tư hay không.
Bộ Công Thương cho rằng: Đối với hệ thống điện truyền tải có tính chất xương sống, huyết mạch như EVNNPT nêu thì cần cân nhắc kỹ lưỡng việc có cho phép đầu tư tư nhân hay không, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh quốc gia.
Trên thực tế, hiếm có nhà đầu tư nào muốn làm lưới điện truyền tải nếu không gắn với việc phục vụ dự án của họ. Điều này gần giống như việc làm các con đường theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), nhà đầu tư chỉ mặn mà làm đường dây truyền tải nếu phục vụ cho dự án của họ.
Phải khẳng định rằng, không một nhà đầu tư nào muốn tham gia vào việc đầu tư đường truyền tải nếu không gắn liền việc truyền tải công suất điện của nhà máy vào lưới điện quốc gia. Rõ ràng, với mức phí truyền tải chỉ chiếm khoảng 7% trong giá bán điện (khoảng 100 đồng), thì không ai mạo hiểm bỏ ra cả nghìn tỷ đồng để đầu tư đường dây 500kV cả nếu không gắn với dự án của chính họ.
Bình luận