Tại họp báo chuyên đề về công tác đấu tranh chống gian lận xuất xứ của ngành Hải quan chiều 19/7, bà Nguyễn Thu Nhiễu, Phó cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) cho biết như trên.
Theo bà Nhiễu, cơ quan hải quan nhận được danh sách 31 doanh nghiệp đầu vào bán hàng, linh kiện cho Asanzo. Trong số này có 4 doanh nghiệp không còn hoạt động và bị khởi tố. Cục Kiểm tra sau thông quan đã ban hành 27 quyết định kiểm tra các doanh nghiệp còn lại.
Trong 27 doanh nghiệp, Cục trực tiếp kiểm tra tại 13 doanh nghiệp, và giao 14 đơn vị cho Cục Hải quan TP.HCM kiểm tra, tiếp tục làm rõ.
“Hiện nay Cục Kiểm tra sau thông quan vẫn đang tiến hành rà soát, thu thập thông tin và phối hợp với các đơn vị liên quan. Cục thực hiện nhiệm vụ theo chức năng được giao”, bà Nhiễu nói.
Phó cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan cũng cho hay, đến thời điểm đã có kết quả kiểm tra sơ bộ tại một số doanh nghiệp, tuy nhiên vẫn chưa có kết quả cuối cùng.
Về phía doanh nghiệp đầu ra, theo bà Nhiễu, xác minh 56 doanh nghiệp tiêu thụ hàng cho Asanzo, chỉ còn 16 doanh nghiệp đang hoạt động, số còn lại đã ngừng hoạt động.
Theo ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý (Tổng cục Hải quan), cơ quan Hải quan đã thành lập đoàn kiểm tra sau thông quan đối với Asanzo và các doanh nghiệp nhập các linh kiện về bán lại cho doanh nghiệp để xác minh làm rõ việc có gian lận xuất xứ hay không.
Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý chia sẻ, quy định hiện nay chỉ ghi tiêu chí xuất xứ để xác định nhãn mác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, còn với hàng hóa lưu thông trong thị trường nội địa thì chưa có quy định về ghi xuất xứ.
“Hiện cơ sở xác định doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện, rồi lắp ráp bán tại thị trường Việt Nam có đáp ứng tiêu chí xuất xứ với hàng Việt Nam hay không là không có”, ông Tuấn nói.
Ông Nguyễn Phi Hùng, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho hay, để chủ động phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi gian lận, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa vào Việt Nam, Tổng cục Hải quan đang xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để phát hiện sớm các trường hợp gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp như Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Công an, Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các Hiệp hội ngành hàng...
Bên cạnh đó, kiến nghị với Bộ Công Thương, VCCI siết chặt công tác quản lý cấp giấy chứng nhận xuất xứ theo quy định đối với trường hợp qua kết quả kiểm tra, thanh tra xác định hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp.
Một doanh gian lận xuất xứ bị khởi tố
Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan vừa ra quyết định khởi tố hình sự về hành vi buôn lậu đối với Cty TNHH XNK Trần Vượng (TP.HCM).
Ngày 12/7, Công ty TNHH XNK Trần Vượng mở tờ khai hải quan, khai báo nhập khẩu mặt hàng loa kết hợp với máy ghi và tái tạo âm thanh 35, không nhãn hiệu; hàng mới 100%. Lô hàng gồm 601 chiếc, xuất xứ Trung Quốc, trị giá hơn 10.000 USD.
Thực tế kiểm tra lô hàng, cơ quan Hải quan phát hiện gồm 601 chiếc loa thùng được đóng gói mỗi chiếc một hộp. Điều đáng nói, lô hàng được nhập khẩu từ Trung Quốc, doanh nghiệp cũng khai hàng có xuất xứ Trung Quốc, nhưng trên toàn bộ sản phẩm đều thể hiện hàng có xuất xứ Việt Nam (Made in Vietnam).
Bình luận