Chưa có giải pháp thu hồi hơn 600 tỷ đồng từ ông Đinh La Thăng trong vụ OceanBank
Sáng 20/3, tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các vấn đề thuộc lĩnh vực tòa án, đại biểu Bùi Mạnh Khoa (Đoàn ĐBQH Thanh Hóa) đặt câu hỏi về việc thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng.
"Một số vụ việc kê biên, thu hồi tài sản chậm do vướng mắc trong xử lý tài sản chung và riêng. Hướng xử lý vấn đề này thế nào? Bên cạnh đó, cử tri phản ánh số lượng án khó thi hành không nhiều, tuy nhiên tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ổn định xã hội, khiếu nại, tố cáo kéo dài. Do đó đề nghị Chánh án cho biết giải pháp căn cơ để giải quyết triệt để tình trạng này", đại biểu chất vấn.
Trả lời đại biểu, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết có 2 nguyên nhân khiến bản án khó thi hành. Thứ nhất do tòa tuyên không rõ nên khó thi hành, mỗi năm có khoảng 200 vụ án rơi vào trường hợp này. Tòa án cũng đã có giải pháp là phải giải thích cho người chấp nhận thi hành án hiểu, nếu không rõ quá thì kháng nghị để xử lại.
Nguyên nhân thứ hai mà ông Nguyễn Hòa Bình đưa ra là tuyên án rõ rồi nhưng không thi hành được. "Với nguyên nhân này thì không có cách nào khác là phải thi hành".
Dẫn ví dụ trong vụ án OceanBank đã làm thất thoát 800 tỷ đồng liên quan đến ông Đinh La Thăng, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết đây là bản án khó thi hành.
"Trách nhiệm dân sự, các bị cáo trong vụ án phải bồi thường. Bây giờ ông Thăng đi tù rồi, phải đền hơn 600 tỷ. Đây là bản án khó thi hành nhưng mà không thể không được, luật đã quy định như vậy. Còn cách nào để cho bản án này thực thi trên thực tế thì chúng tôi chưa nghĩ ra giải pháp", ông Nguyễn Hòa Bình cho hay.
Một vụ án khác cũng khó thi hành được Chánh án TAND Tối cao nêu là vụ Trust Bank, bà Hứa Thị Phấn làm thất thoát hơn 11.000 tỷ đồng.
"Tòa đã tuyên bà Phấn phải bồi thường mười mấy nghìn tỷ, đây là bản án tuyên đúng pháp luật, nhưng tuyên xong bà ấy đã chết", ông Nguyễn Hòa Bình nói.
Liên quan đến vấn đề kê biên, thu hồi tài sản chậm do vướng mắc trong xử lý tài sản chung và riêng, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, thực tế trong vụ án có ngôi nhà hình thành trong hôn nhân, có công của vợ chồng, con cái nên không thể thu hồi và buộc phải tuân thủ điều này.
Muốn thực hiện tốt, ông cho rằng phải có được cơ chế như nhiều nước áp dụng, điển hình là cơ chế phi hình sự, tăng trách nhiệm giải trình của người liên quan. "Nếu có vài cái nhà mà quan chức không giải trình được tài sản hình thành thế nào, tính hợp lý không được công nhận thì tài sản đó sẽ tịch thu", ông Nguyễn Hòa Bình nhìn nhận đây là giải pháp căn cơ.
Giải trình vấn đề liên quan, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long khẳng định, việc thu hồi tài sản để phục vụ công tác thi hành án trong các vụ án kinh tế, tham nhũng là trọng tâm, nhiệm vụ chính trị quan trọng đặt ra trong ngành Tư pháp. Với việc tổng hợp nhiều giải pháp, ông Long cho biết công tác thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng thời gian qua khá tích cực.
"3 tháng đầu năm 2023, các cơ quan đã thu hồi được trên 17.000 tỷ đồng. Xét số lượng tuyệt đối thì tăng gần 12.000 tỷ đồng so với năm 2022", Bộ trưởng Tư pháp nêu rõ
Tuy nhiên, Bộ trưởng Lê Thành Long thừa nhận còn nhiều vấn đề tồn tại. Về khách quan, ông cho biết có khó khăn trong bản thân vụ án như số lượng tài sản trong hầu hết vụ án lớn, nằm rải rác trên phạm vi cả nước; nguồn gốc, tính pháp lý nhiều tài sản được kê biên phức tạp, mất nhiều thời gian cần xác minh, làm rõ; việc xác định tài sản ngay tình, tài sản chung - riêng còn khó khăn…
Đề cập giải pháp, Bộ trưởng Tư pháp cho biết sẽ tiếp tục bám sát, thực hiện tốt các chỉ đạo về thu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế; phối hợp cơ quan tiến hành tố tụng trong việc này và tập trung các vụ án lớn được dư luận xã hội quan tâm.
Ông Lê Thành Long cũng đề nghị Quốc hội, các cơ quan dân cử, đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát.
"Nếu chúng ta có nhiều mắt tập trung vào đây thì việc tẩu tán và giấu tài sản tham nhũng sẽ giảm đi", Bộ trưởng Lê Thành Long nói thêm.
Bình luận