Bé gái có tiền sử động kinh, thời gian gần đây thường xuyên lên cơn co giật, bố mẹ bé mua thuốc cam cho trẻ uống mong giảm bớt triệu chứng. Tuy nhiên, sau hai tuần sử dụng thuốc, cơn co giật tăng, kèm theo biểu hiện đau đầu, nôn, trẻ rơi vào trạng thái lơ mơ.
Bé được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Nghi ngờ bị ngộ độc, bác sĩ cho xét nghiệm máu, kết quả bé gái bị ngộ độc chì nặng, tổn thương não. Nồng độ chì trong máu của trẻ là 91 µg/dL (ngưỡng được chấp nhận là dưới 10 µg/dL). Bé gái được chuyển tuyến lên Bệnh viện Nhi Trung ương theo dõi điều trị.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ nhập viện trong tình trạng lơ mơ, co giật nhiều và kéo dài, giảm tri giác. Các bác sĩ cho trẻ thở oxy, thở máy, đảm bảo huyết động, điều trị tăng áp lực nội sọ, dùng thuốc thải chì máu…Tuy nhiên, sau một ngày điều trị, tình trạng tri giác của bệnh nhi xấu dần, tăng áp lực nội sọ nặng, đe dọa đến các chức năng sống và bệnh nhi rơi vào tình trạng mất não.
Bác sĩ CKII Nguyễn Tân Hùng – Phó Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, đây là ca ngộ độc đáng tiếc vì sự thiếu hiểu biết của gia đình. Trẻ không được uống thuốc theo hướng dẫn điều trị bệnh động kinh của các bác sĩ chuyên khoa, tự ý dùng thuốc không rõ nguồn gốc để chữa bệnh.
"Dù rất nhiều cảnh báo về nguy cơ ngộ độc chì trong thuốc cam không rõ nguồn gốc, nhưng một số cha mẹ vẫn quá tin tưởng vào loại “thần dược” này", bác sĩ Hùng nói.
Chì đặc biệt nguy hại với trẻ nhỏ do chúng tích lũy trong xương lâu dài khiến trẻ còi cọc, chậm phát triển thể chất. Kim loại này còn gây thiếu máu, trường hợp tổn thương não không hồi phục dẫn tới các di chứng nặng nề như chậm phát triển trí tuệ, co giật.
"Nồng độ chì trong máu lớn hơn 70 µg/dL là ngộ độc chì mức độ nặng với tỷ lệ tử vong trên 65% nếu có tổn thương thần kinh trung ương", vị bác sĩ cho hay.
Nhiều nguyên nhân dẫn đến ngộ độc chì như tiếp xúc với môi trường ô nhiễm từ các khu công nghiệp, nguồn nước nhiễm chì, sơn tường, xăng dầu nhiễm chì, pin, đồ chơi bằng nhựa có sơn chì, đồ hộp đựng thức ăn có hàn chì… Đặc biệt, dùng các loại thuốc nam được dân gian gọi là thuốc cam không rõ nguồn gốc là một trong những nguyên nhân hàng đầu và phổ biết nhất gây ngộ độc chì ở trẻ em.
Bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh không nên nghe, làm theo những phương pháp truyền miệng chưa được kiểm chứng, tự ý dùng các loại thuốc, nhất là thuốc cam, thuốc nam không rõ nguồn gốc, không có giấy phép lưu hành. Đối với các bệnh nhi có bệnh mạn tính phải tuân thủ điều trị cũng như tái khám theo đúng hẹn tại cơ sở y tế uy tín.
Cha mẹ cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân cho trẻ như thường xuyên rửa tay, cắt móng tay, hướng dẫn trẻ không đưa tay và mọi vật lên miệng. Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, hạn chế để trẻ tiếp xúc với đồ chơi không đảm bảo chất lượng có thể nhiễm chì và các kim loại nặng khác.
Bình luận