• Zalo

Chưa bao giờ học sinh chán Văn đến thế

Giáo dụcThứ Sáu, 11/04/2014 12:38:00 +07:00Google News

(VTC News)- Một giảng viên Văn học đã phải ngậm ngùi công nhận thực tế học sinh đang quay lưng với việc học Văn trong nhà trường.

(VTC News)- Một giảng viên Văn học đã phải ngậm ngùi công nhận thực tế học sinh đang quay lưng với việc học Văn trong nhà trường.

Chia sẻ với báo chí tại Hội thảo đổi mới kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn, PGS-TS Chu Văn Sơn đã cho rằng việc dạy và học môn Ngữ văn hiện nay đang khiến ông lo ngại, đặc biệt là ở khu vực trường đại trà và trường miền núi.

PGS-TS Chu Văn Sơn
PGS-TS Chu Văn Sơn 
Ông Sơn nêu lên một thực thế chua xót "chưa bao giờ học trò chán học Văn như bây giờ" dù có đầy đủ các điều kiện, được hỗ trợ tối đa trong việc dạy và học.

Một lý giải được đưa ra hiện nay là nhu cầu về giải trí của con người mạnh lên, sự lên ngôi của công nghệ giải trí cũng ồ ạt hơn, và kéo theo về công nghệ nghe nhìn, làm cho văn hóa nghe nhìn chiếm ưu thế, văn hóa đọc bị suy giảm, dẫn tới học sinh không thích học văn.

Vị chuyên gia này cũng nêu ra thực tế, nhiều bậc phụ huynh không cho con cái đi học Văn vì sau này không hứa hẹn nhiều về thu nhập, vị trí, đời sống. Thực tế này cũng ảnh hưởng tới việc học sinh không thích học văn.

Ông Sơn cũng chỉ ra nghịch lý
học sinh hiện nay không chán văn nói chung, mà chỉ chán văn trong nhà trường, văn bên ngoài học sinh vẫn thích.

"Vậy tình trạng này nhà trường phải chịu trách nhiệm chính", ông Sơn nêu quan điểm.


Để khắc phục tình trạng này, PGS.TS Chu Văn Sơn cho rằng phải xem trọng môn Văn và coi đây là bộ môn nhân văn, bồi đắp phần nhân văn cho con người.

Chương trình môn Ngữ văn hiện nay có khá hơn trước nhưng so với yêu cầu vẫn phải điều chỉnh, bởi chương trình đang có sự lấn áp của nhiều tiêu chí ngoài văn.

Tuy sách giáo khoa được biên soạn ưu việt hơn trước, nhưng do triết lý bộ môn, định hướng như vậy nên sách giáo khoa cũng có lệch, bởi sách quyết định tới hệ thống, phương hướng đào sâu vào văn bản, câu hỏi. Nếu coi Ngữ văn là bộ môn khoa học xã hội thì hệ thống câu hỏi sẽ tập trung vào việc nhồi kiến thức, rèn rũa kỹ năng chứ không đi theo hướng bồi đắp năng lực như ta mong muốn.

Bên cạnh đó, PGS Sơn cho rằng việc v
ận dụng phương pháp còn nhiều "lổn nhổn".
văn mẫu
Những bài văn mẫu cũng khiến học sinh chán học Văn 
Về kiểm tra đánh giá, do thời gian trượt đài trong thời gian dài về  triết lý bộ môn, sách giáo khoa… tất sẽ dẫn đến kiểm tra, đánh gía cũng không có gì khởi sắc.

Cách hiểu về năng lực còn rất lôi thôi. Nhiều người còn hiểu nhầm giữa kỹ năng và năng lực. Theo PGS. Sơn kỹ năng là kỹ thuật, quy trình, còn năng lực thuộc về tố chất.  Kỹ năng là phương tiện để phát triển năng lực, nhưng kỹ năng không phải là năng lực.

Trao đổi về cách ra đề Ngữ văn theo hướng mở, PGS-TS Chu Văn Sơn cho rằng đó là vấn đề tích cực, góp phần thay đổi kiểm tra, đánh giá.

Ông Sơn nêu quan điểm: “Tuy nhiên, nếu thay đổi bằng dạng đề mở như chúng ta mong muốn thì liệu có làm cho học sinh yêu văn hơn không? Hào hứng hơn không? Nhưng đây cũng là một cách để đánh giá khoa học hơn, nhưng nếu nói do cách thay đổi kiểm tra, đánh giá này mà học sinh yêu văn hơn, tôi chưa dám chắc”.


Ngoài những yếu tố chủ quan, PGS Sơn chỉ ra thực tế hiện nay số giáo viên tâm đắc vời nghề, muốn truyền lửa và chất văn cho học trò ngày càng ít, phần lớn hiện nay giáo viên lên lớp bởi những lý do khác nhiều hơn.

“Trong lòng thầy cô không có lửa thì làm sao giờ văn có lửa, giờ không có lửa thì làm sao học sinh yêu văn được? Khái quát nhất để định hình môn văn hiện nay là những giờ văn thiếu chất văn, tôi cho rằng đây là bệnh tràn lan. Phải có nỗ lực tổng thể chứ không chỉ là một khâu” PGS- TS Chu Văn Sơn chia sẻ.


Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn