(VTC News)- Hàng trăm chủ nhà vườn cây kiểng đang lo sốt vó khi chưa đến tết mà mai đã đua nhau nở.
Mỗi lần nhìn vườn mai đang đua nhau nở, ông Lê Công Bình (ngụ ấp Hòa Long, xã Vĩnh Phú, Thuận An, Bình Dương) lại như “ngồi trên đống lửa” vì toàn bộ tài sản đã dốc vào vườn mai. Việc mai trổ bông sớm cộng thêm tình hình thời tiết phức tạp như báo hiệu một mùa “thất thu” với nông dân trồng mai. Mai vàng đua nhau "ăn tết" khiến nông dân khốn đốn
Mai đua nhau “ăn tết” sớm
Tìm đến ấp Hòa Long, xã Vĩnh Phú, Thuận An, tỉnh Bình Dương để thăm một số vườn mai có tiếng tại đây. Nếu như mọi năm, từ 15 đến 20 tháng Chạp các vườn mai mới trổ bông cho dịp Tết cổ truyền thì thời điểm này, khoảng 40% tổng số mai được bà con nông dân nơi đây trồng đã trổ bông vàng rực.
Nhiều cây mai sau khi ra hết bông đã lụi tàn chỉ còn trơ lại cái cuống khô cong queo. Ông Lê Công Bình (ngụ ấp Hòa Long, xã Vĩnh Phú, Thuận An, Bình Dương) thẫn thờ kể: “ Khu vườn của tôi có tất cả gần 600 chậu mai ghép nhưng đến thời điểm này thì hơn 100 chậu đã và đang trổ bông, nếu tình trạng này cứ diễn ra thì từ nay đến tết sẽ không còn chậu mai nào đạt tiêu chuẩn.
Cũng theo ông Bình, bao nhiêu vốn liếng gia đình đầu tư hết vào vụ mai năm nay, công sức thì không kể , khổ nổi kỳ vọng quá lớn gia đình ông dành trọn cho vườn mai bao nhiêu thì giờ đây lại thất vọng tràn trề gấp bội phần. "Bây giờ nhìn mai đua nhau nở sớm khiến lòng tôi bất an, đứng ngồi không yên nhưng không biết làm gì hơn ...”, ông Bình thở dài.
Nhiều chủ vườn mai thẫn thờ nhìn mai nở rộ
Cũng rơi vào hoàn cảnh như ông Bình là ông Đặng Xuân Vịnh. Hiện ông Vịnh có hơn 1000 gốc mai cũng trong tình trạng đua nhau “ăn tết sớm”. Khi chúng tôi ghé thăm vườn mai của ông Vịnh cũng là lúc ông đang tưới nước cho từng gốc mai. Ông Vịnh cho biết, cứ mỗi buổi sáng sớm và chiều tối ông đều phải tưới nước cho mai và che chắn mỗi khi có sương muối, nắng gắt. Theo lý giải của ông làm như vậy để duy trì lá và để cho cây không bị héo nhằm “vớt vát” được cây nào hay cây đó.
Không chỉ có hai hộ trồng mai là ông Vịnh và ông Bình mà còn hàng trăm hộ khác cùng chung cảnh ngộ. Trong tình cảnh đó, các chủ vườn mai như đang ngồi trên đống lửa khi đã đầu tư hàng trăm triệu đồng, suốt năm quần quật vun bón cho cây mai chỉ mong “thọ” được một mùa tết nhưng đến giờ đây mai đã trổ bông báo hiệu mùa...thất thu.
Theo Hội Nông dân xã Vĩnh Phú (huyện Thuận An, Bình Dương), hiện xã có hơn 100 hộ trồng mai truyền thống với diện tích trung bình khoảng 1.000m2/hộ. Tuy nhiên vì thời tiết thất thường nên ở ấp Đông (nơi có diện tích trồng mai lớn nhất nhì xã), nhiều vườn mai của dân có hiện tượng rụng lá, trổ bông sớm.
Cùng cảnh ngộ trên là người trồng mai ở khu phố 6, phường Hiệp Bình Phước (Q.Thủ Đức, TP.HCM). Do năm nay là năm nhuận, lại chịu ảnh hưởng của những đợt triều cường đỉnh điểm "tấn công" nhiều vườn mai của nhiều hộ dân nơi đây.
Ngoài ra thời gian gần đây người dân lại phải “chống chọi” với sương muối, không khí lạnh nên hầu như không có vườn mai không trổ bông mà thay vào đó mai nở vàng và có nguy cơ thất thu dịp tết năm nay khiến công sức và tiền của của người dân dành trọn cho mai trở thành công cốc.
Theo khảo sát tại phường Hiệp Bình Phước hiện có trên 150 hộ trồng mai với diện tích hơn 50ha. Tuy nhiên những đợt triều cường vừa qua đã tàn phá hơn 30% diện tích trồng mai. Thậm chí có hộ bị thiệt hại 50% diện tích.
Một số khu vực trồng mai có tiếng trên địa bàn TP như huyện Hóc Môn, quận 12, Gò Vấp, Bình Thạnh… đa số các chủ nhà vườn trồng mai đều trong tình cảnh điêu đứng vì lo mùa thất thu ...
Điêu đứng
Đã gần 20 năm gắn bó với ghề trồng mai, ông Lê Công Bình cho biết, có lẽ năm nay gia đình ông sẽ thiệt hại nhất. Những gốc mai mà giá trị bán được cả chục triệu đồng thì bây giờ đã trổ bông đến ngọn, đếm qua cũng khoảng gần 100 chậu.
Số chậu mai đó coi như bị loại bỏ, công sức của cả gia đình gần một năm nay coi như đổ bể. Ông Bình cũng đã tìm mọi phương pháp nhằm “hãm” việc mai “đua nhau” trổ bông nhưng vẫn không hiệu quả.
Công việc hàng ngày của ông bây giờ là tưới nước liên tục cho cây nhằm giữ lá, nuôi dưỡng nhưng nụ còn xót lại nhưng khả năng mà các nụ “phụ” này nở kịp vào dịp tết là rất khó.
Một vườn mai khu vực quận Thủ Đức lác đác nở vàng
Còn với người dân tại KP.5, phường An Phú Đông (quận Thủ Đức, TP. HCM) thì nỗi lo lớn nhất vẫn là triều cường. Mỗi khi nghe có triều cường dâng cao là người dân nơi đây thấp thỏm. Cái cảnh càng chống càng ngập đã khiến nhiều hộ trồng mai phải tập “sống chung” với triều cường.
Ông Lê Văn Thảo, sống tại KP5, phường An Phú Đông ngao ngán "Vườn mai của tôi có hàng trăm gốc bây giờ chỉ còn một nửa là có thể trụ được đến tết, những lần triều cường dâng cao khiến gia đình ông đứng ngồi không yên, vụ vỡ bờ bao xung yếu rạch Cây Trâm giữa tháng 12/2012 đã ít nhiều gây hư hại cả trăm gốc mai và cây kiểng của gia đình chuẩn bị bán tết.”
Mai cười, người khóc
Ông Giáng Kiến Hòa, chủ vườn mai Sáu Hòa, khu vực 4, P.Hiệp Bình Phước (Q.Thủ Đức, TP.HCM), cho biết: “Tết năm nay hầu hết hoa mai chỉ đạt 40%. Những năm trước mai nở đúng dịp tết thì trung bình mỗi gốc mai lớn, đẹp có giá từ 30-40 triệu đồng, còn năm nay do ảnh hưởng của thời tiết và là năm nhuận nên mai ra hoa trước tết nhiều. Theo tôi, giá mỗi gốc hoa mai sẽ tăng lên nhưng không đáng kể so với mọi năm”.
Trong những năm gần đây tình hình triều cường có diễn phức tạp và có xu hướng năm sau luôn cao hơn năm trước. Do đó, công tác thủy lợi, đê bao dọc các tuyến sông nếu không bảo đảm thì thiệt hại đối với đời sống người dân, trong đó có nghề trồng mai sẽ rất lớn.
Bởi theo kinh nghiệm của người trồng mai, tuy mai là loại cây ưa ẩm nhưng khả năng chịu ngập úng rất kém, thông thường, mai sẽ vàng lá và rụng nếu ngập úng kéo dài. Sau các đợt ngập úng, nếu gặp thời tiết nắng ấm là mai rất dễ trổ bông, do đó không khó để lý giải vì sao hàng loạt vườn mai của các hộ dân sống dọc sông Sài Gòn đã bị ảnh hưởng và nở sớm trước tết.
Phạm Nguyễn
Bình luận