Mới đây, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn xây dựng Hòa Bình, Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu Xây dựng TP.HCM đã gửi thư tới Thủ tướng kiến nghị giải pháp về công tác phòng chống dịch trong tình hình mới.
3 vướng mắc lớn nhất
Trong thư, ông Lê Viết Hải nêu ra 3 khó khăn, vướng mắc lớn nhất hiện nay trong công tác phòng chống dịch. Thứ nhất, ông cho rằng nguồn lực, cơ sở vật chất để kiểm soát F0, F1 bằng phương án tập trung là rất hạn chế trước sự bùng phát mạnh mẽ của biến thể virus mới.
Khó khăn thứ 2 là giải pháp giãn cách theo phương châm “3 tại chỗ” hay “1 cung đường - 2 điểm đến” không đạt hiệu quả dập dịch. Việc này làm tê liệt nền kinh tế TP.HCM và các tỉnh lân cận nằm trong vùng trọng điểm kinh tế phía Nam trong đó có hoạt động ngành xây dựng.
"Giải pháp “3 tại chỗ” hay “1 cung đường - 2 điểm đến” chưa thể phát huy được ưu điểm, do doanh nghiệp hạn chế về tài chính, nguồn lực (kiểm soát việc ra vào của người lao động, thường xuyên phải xét nghiệm đối với lực lượng lao động gồm công nhân, bảo vệ, người quản lý,…), thiếu cơ sở vật chất (phục vụ chỗ ăn, ở cho người lao động theo tiêu chuẩn) và rất nhiều khó khăn khác", ông Hải nêu.
Theo ông Hải, nếu thời gian áp dụng giãn cách kéo dài thì nhiều doanh nghiệp, gồm cả doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ; những hộ kinh doanh, người buôn bán, công nhân xây dựng sống bằng thu nhập hàng ngày không thể trụ được.
"Riêng ngành xây dựng thì 3 năm vừa qua đã gặp rất nhiều khó khăn do không có nhiều dự án đầu tư mới được cấp phép và biến động giá vật tư xây dựng... Phương án giãn cách này nếu kéo dài hơn nữa và không xác định thời hạn, hết đợt này đến đợt khác thì hậu quả sẽ rất khó lường", ông Hải nhấn mạnh.
Cuối cùng, ông Hải cho rằng công tác tiêm vaccine đang triển khai rất chậm. Trong khi đây giải pháp cơ bản nhất để giải quyết đại dịch, việc tiêm vaccine vẫn chưa kịp thời đối phó với sự bùng phát quá nhanh của dịch bệnh và nhu cầu cấp bách, chính đáng của người dân.
Cần thay đổi chiến lược phòng chống dịch
Trong thư gửi Thủ tướng, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình kiến nghị Thủ tướng cần thay đồi chiến lược phòng chống dịch.
Ông cho rằng, trong tình hình nguy cấp hiện nay, cần huy động tối đa mọi nguồn lực, không chỉ từ Nhà nước mà cả từ phía hơn 90 triệu dân cùng hàng triệu doanh nghiệp, theo hướng chủ động và tích cực hơn.
"Không thể dập hết dịch trong một thời gian ngắn trong khi chưa đạt được miễn dịch cộng đồng thì việc chúng ta sống chung với dịch là không thể tránh khỏi. Vấn đề là chúng ta cần trang bị tốt nhất các điều kiện để sống chung với dịch", ông Hải viết.
Cụ thể, Chủ tịch Tập đoàn xây dựng Hòa Bình kiến nghị, về phía người dân và doanh nghiệp cần phải chủ động và tích cực hơn trong việc phòng chống dịch bằng “Công thức 7K + 3T”.
Khẩu hiệu "Ở nhà là yêu nước" và "Thông điệp 5K" trong bối cảnh hiện nay là chưa đủ và còn mang tính thụ động. "Chúng ta cần có một phương châm hành động mới mang tính chủ động đối với toàn dân trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19", ông Hải nhấn mạnh.
"Công thức 7K+3T" mà ông Hải nói đến được phát triển dựa trên thông điệp 5K của Bộ Y tế và chắt lọc từ những thông tin do tập thể các thành viên Tập đoàn xây dựng Hòa Bình tìm hiểu, nghiên cứu theo tài liệu hướng dẫn của Bộ Y tế và sự tư vấn của các bác sỹ, chuyên gia nhằm phổ biến trong nội bộ Tập đoàn và gia đình các thành viên trên tinh thần hết sức chủ động phòng chống đại dịch COVID-19.
Trong đó 7K gồm: "Khẩu trang - Khoảng cách - Khử khuẩn - Không tụ tập - Khai báo y tế - Không khí trong lành - Khỏe mạnh" và 3T là: "Tự phát hiện - Tự cách ly - Tự chăm sóc".
Về phía chính quyền TP.HCM, cần có tài liệu hướng dẫn người dân thực hành 3T; đồng thời có đội ngũ hỗ trợ, giám sát việc thực hành 3T; đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng vaccine trên toàn TP.
Ông cũng cho rằng, thay vì dồn quá nhiều nguồn lực cho công tác dập dịch mà không đạt được mục tiêu. Chúng ta cần dành nguồn lực tốt nhất để phục vụ công tác tiêm chủng. Tiêm vaccine cần một phương án để triển khai càng nhanh càng tốt, đặc biệt tại TP.HCM và Hà Nội. Bởi trong bối cảnh hiện nay chỉ có đẩy mạnh tiêm phòng thì mới có thể nhanh chóng đi đến miễn dịch cộng đồng và đạt được “mục tiêu kép”.
Song song với việc nhập khẩu vaccine, ông Hải cũng kiến nghị cần bảo đảm cung cấp đủ thuốc men để trị các triệu chứng bệnh thông thường mà người dân và doanh nghiệp có thể tự mua và cho người nhiễm bệnh COVID-19 uống theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
"Chúng tôi tin tưởng giải pháp đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine trong 3 tháng tới và việc thực hành "Công thức 7K+3T" sẽ giúp TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung sẽ sớm đạt được miễn dịch cộng đồng với một cái giá không quá đắt và nhanh chóng thiết lập cuộc sống bình thường mới", ông Hải kỳ vọng.
Bình luận