• Zalo

Chủ tịch Vusta Phan Xuân Dũng: 'Nhìn sâu vào quá khứ... nhìn xa về tương lai'

Tin nhanh 24hThứ Sáu, 26/03/2021 10:55:00 +07:00Google News

“...Càng nhìn sâu hơn vào quá khứ, chúng ta sẽ càng nhìn thấy được xa hơn về tương lai... Trí thức Việt Nam sẽ làm nên những kỳ tích mới”- Chủ tịch Vusta khẳng định.

Nhân dịp Kỷ niệm 38 năm ngày thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Phan Xuân Dũng đã có cuộc trò chuyện với Báo Tri thức và Cuộc sống.

- Tròn 3 tháng đảm nhiệm trọng trách Người đứng đầu Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (25/12/2020-25/3/2021), Chủ tịch cảm nhận thế nào?

Ba tháng tham gia vào bộ máy lãnh đạo của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam là thời gian hạnh phúc đối với tôi!

Tôi cảm nhận Liên hiệp Hội thực sự là tổ chức chính trị - xã hội đoàn kết, yêu thương và đùm bọc lẫn nhau. Các đồng chí đồng sức, đồng lòng cùng làm việc. Trong thời gian ngắn, chúng tôi đã làm được một số việc cụ thể - kế tục những gì, mà các thế hệ Đàn Anh đi trước thực hiện.

Đại hội Đảng lần thứ XIII đã diễn ra thành công tốt đẹp, kỳ Quốc hội khóa XV chuẩn bị bắt đầu... Với mong muốn làm tốt hơn nữa, chúng tôi sẽ tiếp tục chi tiết hóa những mục tiêu Đảng, Nhà nước vừa ban hành, nhằm đưa Liên hiệp Hội phát triển với niềm tin sắt đá rằng, nhiệm kỳ này sẽ không làm các thế hệ đàn Anh đi trước thất vọng, đội ngũ trí thức sẽ cùng nhau làm nên những kỳ tích mới.

Chủ tịch Vusta Phan Xuân Dũng: 'Nhìn sâu vào quá khứ... nhìn xa về tương lai' - 1

"Ba tháng tham gia vào bộ máy lãnh đạo của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam là thời gian hạnh phúc đối với tôi!" - TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

- Chặng đường 38 năm hình thành, phát triển của Liên hiệp Hội Việt Nam gắn liền với sự phát triển kinh tế - xã hội và khoa học kỹ thuật của đất nước, Chủ tịch đánh giá thế nào về vai trò và đóng góp của VUSTA?

Đây là giai đoạn rất đáng tự hào! 38 năm hình thành, phát triển của Liên hiệp Hội Việt Nam chính là chặng đường trí tuệ của trí thức Việt Nam dưới thời đại Hồ Chí Minh. Lịch sử đã ghi nhận: Mỗi một thành công của cách mạng nước nhà là không thể tách rời, mà gắn bó mật thiết với sự phát triển của đội ngũ trí thức cách mạng nước nhà.

Quá trình lớn mạnh của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trải qua ba (03) giai đoạn: từ năm 1983-1993 là tổ chức quần chúng tự nguyện của tất cả các hội khoa học và kỹ thuật; từ năm 1993-2010 là tổ chức chính trị - xã hội tự nguyện của trí thức Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ và giai đoạn từ năm 2010 đến nay là tổ chức chính trị - xã hội của đội ngũ trí thức Việt Nam.

Như tôi từng chia sẻ, Liên hiệp Hội Việt Nam có chức năng quan trọng: Tập hợp các hội viên từ Trung ương đến địa phương; luôn chú trọng công tác chính trị - tư tưởng; bồi dưỡng, giáo dục lòng yêu nước và tính tự tôn dân tộc, tinh thần vì cộng đồng, tính trung thực trong khoa học và đạo đức nghề nghiệp. Liên hiệp Hội Việt Nam là lực lượng nòng cốt trong tư vấn, phản biện và giám định xã hội trong các lĩnh vực về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, chương trình chăm sóc sức khỏe, chính sách người có công…

Liên hiệp Hội Việt Nam đã góp phần quan trọng trong xây dựng chủ trương, chính sách phát triển đất nước và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, trong dự thảo các văn kiện của Đảng, pháp luật Quốc hội và chính sách của Nhà nước; tham mưu cho Đảng và Nhà nước những vấn đề lớn, đặc biệt là các vấn đề về khoa học - công nghệ, chính sách với đội ngũ trí thức.

Liên hiệp Hội Việt Nam làm tốt các hoạt động phổ biến kiến thức, công tác tư tưởng cho đội ngũ trí thức, đào tạo nguồn nhân lực...; đã tham gia tích cực trong việc thúc đẩy ngoại giao nhân dân, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế; luôn được đánh giá là thành viên quan trọng, hoạt động hiệu quả của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Liên hiệp Hội Việt Nam cũng đã làm tốt, thể hiện là tổ chức trách nhiệm trong việc giới thiệu những đại biểu ưu tú của trí thức tham gia vào Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp.

Liên hiệp Hội Việt Nam luôn khuyến khích sáng tạo khoa học - công nghệ như tổ chức triển khai thành công các cuộc thi: Giải thưởng Sáng tạo khoa học và công nghệ Việt Nam (VIFOTEC); Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc; Lễ tôn vinh trí thức Hội tiêu biểu, tạo ra nguồn động viên, khích lệ rất lớn trong cộng đồng các nhà khoa học, thể hiện được vai trò và vị trí của Liên hiệp Hội Việt Nam.

Có thể nói, trong 38 năm qua, Liên hiệp Hội Việt Nam đã thực sự là địa chỉ tin tưởng của đội ngũ trí thức Việt Nam, đóng góp có hiệu quả cho công cuộc xây dựng Đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Chủ tịch Vusta Phan Xuân Dũng: 'Nhìn sâu vào quá khứ... nhìn xa về tương lai' - 2

Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phan Xuân Dũng khẳng định, 38 năm qua, Liên hiệp Hội Việt Nam đã thực sự là địa chỉ tin tưởng của đội ngũ trí thức Việt Nam.

- Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) phát triển vũ bão, khoa học và công nghệ, kỹ thuật giữ yếu tố then chốt. Liên hiệp Hội Việt Nam có chiến lược gì tập hợp đội ngũ trí thức; thúc đẩy, đồng hành cùng trí thức nhằm góp phần vào công cuộc đưa Việt Nam “đi tắt đón đầu”, bắt kịp các nước phát triển, thưa Chủ tịch?

Nếu những gì hôm qua là viễn tưởng, thì hôm nay trở thành sự thật. Trong bối cảnh khoa học - công nghệ thế giới và trong nước tiến nhanh thần tốc, chúng ta phải cố gắng hơn nữa phát huy, tập hợp đội ngũ trí thức. Trí thức Việt Nam là đội ngũ giàu lòng yêu nước, năng động sáng tạo. Chúng ta hoàn toàn tin tưởng trí thức nước nhà đáp ứng tốt yêu cầu mới của Cách mạng Việt Nam, đưa đất nước lên tầm cao mới, thể hiện khát vọng của toàn Đảng, toàn dân, như điều Chủ tịch Hồ Chí Minh mong ước “Đất nước sánh vai với cường quốc năm châu” thành hiện thực.

Liên hiệp Hội Việt Nam đang có nhiều thuận lợi. Kết quả hoạt động trong nhiều năm qua là nền tảng quý giá, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, ủng hộ, tạo điều kiện cho đội ngũ trí thức phát triển, thể hiện cụ thể ở các nghị quyết, chỉ thị. Gần đây nhất là Kết luận số 93-KL/TW (ngày 20/11/2020) của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW (ngày 16/04/2010) của Bộ Chính trị khóa X - tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã ban hành Nghị quyết với quan điểm, đường lối, định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong giai đoạn 5 năm tới. Trong đó, có nhiều mục tiêu, nhiệm vụ liên quan tới phát triển khoa học và công nghệ, xây dựng đội ngũ trí thức - tạo môi trường thuận lợi cho Liên hiệp Hội Việt Nam củng cố, kiện toàn, phát triển tổ chức hội viên; tập hợp trí thức; đẩy mạnh cách hoạt động để cống hiến nhiều hơn cho đất nước. Điều này được xem là sự tin tưởng, giao nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước cho Liên hiệp Hội Việt Nam.

Hội đồng Trung ương và Đoàn Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam cần khẩn trương tham mưu với Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ xem xét, giải quyết các vấn đề có liên quan tới tổ chức, bộ máy, nhiệm vụ công tác được giao và hoạt động của hệ thống Liên hiệp Hội trong thời gian tới; đồng thời, sớm cụ thể hóa Nghị quyết của Đại hội VIII của Liên hiệp Hội Việt Nam để chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức thành viên tại các tỉnh, thành.

Liên hiệp Hội khoa học kỹ thuật tại các tỉnh, thành cần sớm tổ chức, quán triệt tinh thần tới cán bộ, hội viên trong toàn hệ thống, đồng thời chủ động bám sát nhiệm vụ của Liên hiệp Hội Việt Nam để cụ thể hóa thành kế hoạch, chương trình hoạt động và tổ chức thực hiện với tinh thần đổi mới, sáng tạo đạt hiệu quả cao nhất.

Chủ tịch Vusta Phan Xuân Dũng: 'Nhìn sâu vào quá khứ... nhìn xa về tương lai' - 3

Chủ tịch VUSTA tin tưởng trí thức nước nhà đáp ứng tốt yêu cầu mới của Cách mạng Việt Nam, đưa đất nước lên tầm cao mới, thể hiện khát vọng của toàn Đảng, toàn dân, như điều Chủ tịch Hồ Chí Minh mong ước “Đất nước sánh vai với cường quốc năm châu” thành hiện thực.

- Kỷ niệm 38 năm thành lập, Chủ tịch chia sẻ gì với các đồng chí nguyên lãnh đạo nói riêng và tất cả người Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nói chung?

Thực tế cuộc sống dạy chúng ta rằng, càng nhìn sâu hơn vào quá khứ, chúng ta sẽ càng nhìn thấy được xa hơn về tương lai. Hôm nay, chúng ta nhớ lại chặng đường của 38 năm qua - rất vẻ vang của đội ngũ trí thức Việt Nam, nhưng càng phải vun đắp hơn nữa, vẻ vang hơn nữa ở chặng đường sắp tới!

Hãy xem những định hướng tầm nhìn đến năm 2025-2030-2045 trong các văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, chúng ta phải đặt ra: Liên hiệp Hội Việt Nam làm gì? Đội ngũ trí thức làm gì?... để phù hợp với mong muốn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.

Để làm được điều này, chúng ta cần nhìn lại những “di sản” của các nhà lãnh đạo tiền bối, các nhà khoa học, các trí thức trong các thời kỳ, như: GS.VS, Anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa; GS.VS, Anh hùng lao động Vũ Tuyên Hoàng; GS.TSKH Hà Ngọc Trạc; GS.VS.TSKH Đặng Vũ Minh và rất nhiều các đồng chí, cán bộ khác. Đó là những tấm gương sáng để các thế hệ đi sau như chúng ta học tập, noi theo và phát huy hơn nữa.

Tôi tin rằng, chúng ta sẽ phát huy hơn nữa truyền thống của Liên hiệp Hội Việt Nam; thế hệ này kế tục thế hệ trước và một lòng một dạ phục vụ, phụng sự nhân dân thì chắc chắn Liên hiệp Hội Việt Nam phát triển sâu rộng hơn, đội ngũ trí thức tiếp tục được nhân dân ghi nhận vinh quang hơn.Trong không khí phấn khởi chào mừng 38 năm thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, tôi xin chúc đội ngũ trí thức, nhà khoa học và tất cả cán bộ, nhân viên thật nhiều sức khỏe, tràn đầy năng lượng sáng tạo và phát huy cao nhất tài năng, trí tuệ để tiếp tục có nhiều sáng tác, công trình hữu ích, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và phát triển bền vững Đất nước.

- Xin cảm ơn Chủ tịch về cuộc trò chuyện với Báo Tri thức và Cuộc sống. Xin chúc Chủ tịch sức khỏe, thành công trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam thực sự trở thành tổ chức chính trị - xã hội lớn mạnh, đóng góp vào công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa Đất nước!

(Nguồn: Báo Tri thức và Cuộc sống)
Bình luận
vtcnews.vn