Sáng nay, 30/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.
Phát biểu tại thảo luận, Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình – Chủ tịch VCCI) nhận định, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,8% rất gian nan, trong bối cảnh thương mại giảm thấp, suy thoái kinh tế toàn cầu. Nhất là khi kinh tế Việt Nam phụ thuộc 2 nguồn chính là đầu tư nước ngoài và xuất khẩu.
Theo ĐBQH Vũ Tiến Lộc, trong chiến tranh thương mại Mỹ Trung, nhiều chuyên gia dự đoán Việt Nam sẽ hưởng lợi, trở thành công xưởng thế giới. Nhưng thực tế không phải như vậy. Cơ cấu xuất khẩu theo thị trường cũng bất lợi, chỉ có duy nhất xuất khẩu sang Mỹ tăng đột biến song tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việt Nam là 1 trong 6 nước xuất siêu vào Mỹ. Ai có thể bảo đảm chúng ta là ngoại lệ, không bị Mỹ trừng phạt.
Cũng theo ông Lộc, bức tranh đầu tư nước ngoài cũng không tốt lên. Vốn đầu tư nước ngoài dịch chuyển sang các nguồn Hong Kong, Đài Loan, Trung Quốc, hụt đi ở đầu Nhật Bản và EU.
Hiện nay, Việt Nam đang nỗ lực hết mình nhưng các nước cạnh tranh còn cải thiện thị trường tốt hơn.
Trong khi đó, Đại biểu Quốc hội Lê Công Nhường (Đoàn Bình Định) cho rằng, việc vội vàng khi triển khai chủ trương cho vay đóng tàu vỏ thép đánh bắt xa bờ đã khiến "có những ngư dân giỏi đã trở thành con nợ xấu".
ĐBQH này cho hay, trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước thì ngư dân là lực lượng tham gia đóng góp lớn, nhưng chính sách cho đối tượng này lại chưa được quan tâm đúng mức. Theo ông Nhường, việc triển khai đóng tàu cá đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67 cần được nghiên cứu thêm.
Ông Nhường thông tin, tổng số nợ các ngân hàng cho ngư dân vay đóng tàu cá là gần 11.700 tỷ đồng; công suất của các tàu cá đã vượt qua nguồn lợi thuỷ sản tại vùng biển Việt Nam, nên nhiều ngư dân đã vi phạm khi đánh bắt ngoài vùng biển Việt Nam. Mặt khác, nhà chức trách công bố 21 mẫu tàu vỏ thép được cấp phép đóng mới theo Nghị định 67, nhưng khi áp dụng từng địa phương chưa phù hợp; một số tàu vừa hoạt động một năm đã hư hỏng.
ĐBQH tỉnh Bình Định cho biết, địa phương này hiện có 47 chủ tàu nợ gần 208 tỷ đồng, trong đó nợ gốc 104 tỷ, lãi 107 tỷ đồng. Theo quy định, các chủ tàu này không được hỗ trợ lãi suất ngân hàng, việc thu nợ khó khăn. "Thực tế này cho thấy chúng ta đã quá vội vàng khi triển khai Nghị định 67, có những ngư dân giỏi đã trở thành con nợ xấu", ông Nhưỡng nói và cho rằng để phát triển nghề cá bền vững thì không chỉ cần nâng cấp phương tiện, kỹ thuật mà điều quan trọng là phải đào tạo ngư dân làm chủ tàu vỏ thép.
ĐBQH Lê Công Nhường đề nghị các cơ quan quản lý nhanh chóng đưa ra hướng dẫn để xử lý, trong đó có việc bàn giao khoản nợ từ chủ tàu cũ sang chủ tàu mới; quy định cụ thể về nợ quá hạn, lãi suất cho vay để địa phương có cơ sở thực hiện.
Báo cáo gửi tới Quốc hội sáng nay, Chính phủ cho biết, tăng trưởng năm 2019 sẽ đạt ở cận trên của mục tiêu, khoảng 6,8%; lạm phát dưới 3%; bội chi ngân sách ở ngưỡng 3,4% GDP.
Chính phủ dự kiến bố trí ngân sách để tăng lương cơ sở năm 2020 lên mức 1,6 triệu đồng một tháng (mức hiện tại 1,49 triệu đồng); lương cơ sở sẽ tăng thêm khoảng 110.000 đồng một tháng, tương đương tăng 7%.
Theo báo cáo của Chính phủ, tất cả 12 chỉ tiêu kinh tế xã hội Quốc hội giao đều đạt và vượt kế hoạch, trong đó 5 chỉ tiêu vượt và 7 chỉ tiêu đạt mục tiêu.
Quy mô nền kinh tế 2019 ước khoảng 266,5 tỷ USD, bình quân đầu người đạt 2.786 USD, tăng 196 USD so với 2018. GDP năm 2019 dự tính đạt hơn 6,8%, lạm phát dưới 3%, dù kinh tế thế giới nhiều biến động, chủ nghĩa bảo hộ lên ngôi và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn diễn biến khó lường.
Tốc độ tăng năng suất lao động đạt khá (gần 5,9%), giúp duy trì mức tăng năng suất lao động toàn xã hội bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt 5,8% một năm, vượt mục tiêu kế hoạch 5 năm (5,5%/năm). Đặc biệt, tăng trưởng đã giảm dần sự phụ thuộc vào khai khoáng, tăng trưởng tín dụng.
Bình luận