Ngày 21/6, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, tỉnh này đã đưa ra 3 tiêu chí mới để tiếp tục đấu giá quyền khai thác khoáng sản trong thời gian tới đây.
Cụ thể, những người tham gia đấu giá phải có dự án trên địa bàn; Mỏ thương mại nhưng khi nào tỉnh yêu cầu vẫn phải cấp cho dự án theo giá dự án; Quy định thời hạn không quá dài, chỉ 2 năm từ ngày cấp phép khai thác thì phải dừng lại, còn muốn làm tiếp phải đấu giá.
“Tránh tình trạng xí phần để đấy, lợi dụng đẩy giá lên để kinh doanh”, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định khẳng định.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định còn thông tin, một mỏ khai thác đất trên địa bàn tính ra giá chỉ 800 triệu đồng nhưng khi vào đấu giá lại bỏ giá đến mức độ lên đến mười mấy tỷ. Như vậy, giá đất tăng lên, các công trình của người dân, doanh nghiệp sau này cần mua khoáng sản thì sẽ bị thiệt.
Vì vậy, sau khi xem xét kỹ về mặt pháp luật, lãnh đạo tỉnh thống nhất, phải giới hạn lại trong các cuộc đấu giá, để không còn tình trạng đối tượng là cò mồi, không có công trình vẫn vào đấu giá, với mục đích kiếm tiền làm hồ sơ, có động cơ ăn chia.
“Vừa rồi quyết định tạm dừng đấu giá khoáng sản đã khiến nhiều người phản ứng nhưng tôi chấp nhận. Vì nếu tiếp tục đấu giá, thì đây là việc không tốt cho tỉnh. Đẩy giá lên rất cao, vì vậy chúng tôi yêu cầu dừng lại”, ông Phạm Anh Tuấn cho hay.
Trước đó, việc đấu giá quyền khai thác 45 mỏ khoáng sản tại Bình Định đã diễn ra được 1,5 ngày, nhưng đến chiều 26/12/2023 thì bất ngờ Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản đã thông báo, tạm dừng việc đấu giá.
Trong đó, đã đấu giá 23 mỏ khoáng sản (1 mỏ chỉ 1 hồ sơ đủ điều kiện tham gia nên bị huỷ bỏ), còn lại 22 mỏ chưa đấu giá buộc phải tạm dừng.
Theo phản ánh của một số doanh nghiệp tham gia đấu giá, đợt đấu giá lần này có nhiều vấn đề bất thường. Có mỏ khoảng sản kết thúc chỉ sau vài bước giá, trong khi đó có nhiều mỏ đấu lên hàng trăm bước giá.
Đối với các mỏ đấu giá cao bất thường, doanh nghiệp nhận định, khả năng đơn vị trúng đấu giá bỏ cọc là rất cao.
Bình luận