Theo dự thảo luật, UBND, Chủ tịch UBND đặc khu được phân quyền rất mạnh, được giao nhiều thẩm quyền các cơ quan nhà nước trên. Cụ thể là có 44 thẩm quyền ở tỉnh, 21 thẩm quyền từ các bộ và 8 thẩm quyền từ Thủ tướng.
Đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) khẳng định với tinh thần thử nghiệm, vượt trội, đột phá, Chính phủ sẽ tìm Chủ tịch UBND đặc khu rất có kinh nghiệm, trình độ.
"Nếu Chủ tịch UBND đặc khu mà việc lớn không quyết được thì lại quay về với cái cũ, không thể đột phá như những khu vực không phải khu hành chính kinh tế đặc biệt", đại biểu Thân tranh luận.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phượng (đoàn Bình Định) đồng tình việc tăng quyền lực cho Chủ tịch UBND đặc khu. Phải xem xét, rà soát lại các điều luật để điều chỉnh giảm bớt quy định cho Chủ tịch UBND đặc khu, UBND đặc khu; giao cho UBND đặc khu để UBND đặc khu uỷ quyền cho Phó Chủ tịch đặc khu và một số ban ngành chuyên môn.
"Theo dự thảo, có quá nhiều nội dung mà Chủ tịch UBND đặc khu phải ký, cấp quyết định, trong đó có những nội dung cụ thể như: Cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện đặt tại đặc khu….
Chủ tịch UBND đặc khu không thể có đầu óc điện tử để kiểm soát được mọi vấn đề. Việc gì Chủ tịch UBND đặc khu cũng ký thì không còn thời gian lo việc lớn. Theo như dự thảo thì vị trí Chủ tịch UBND rất dễ vi phạm, khuyết điểm. 100 việc làm tốt chỉ 1 việc làm sai đã không còn gì nữa rồi".
Đại biểu Võ Đình Tín (đoàn Đắk Nông) đặt vấn đề: "Có nhiều quy định trao cho Chủ tịch UBND đặc khu được quyết định một số vấn đề quan trọng mà thông thường thuộc thẩm quyền của UBND theo chế độ tập thể. Trong đó có những nhiệm vụ mà phải ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Quy định trên là xung đột với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
Mặt khác, luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 hiện hành không có quy định về văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.
Về Điều chỉnh quy hoạch đặc khu, khoản 2 điều 14 quy định thẩm quyền trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch cần thống nhất với quy định tại khoản 1, 2 điều 10 của dự thảo luật nhằm đơn giản hoá, tránh trường hợp việc điều hành quy hoạch cũng giao cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh, vừa mất thời gian vừa mất tính chủ động của Chủ tịch UBND đặc khu."
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) đề nghị xem xét thật kỹ nhiệm vụ quyền hạn của Chủ tịch đặc khu trong đầu tư công.
"Theo dự thảo luật, Chủ tịch UBND đặc khu có thẩm quyền quyết định đầu tư với dự án đầu tư xây dựng nhóm A. Theo Điều 8 Luật Đầu tư công, dự án nhóm A có những đặc thù rất quan trọng gắn liền với an ninh quốc phòng, môi trường, chính trị. Chính vì vậy, cần cân nhắc khi giao cho Chủ tịch UBND đặc khu quyết định đầu tư với dự án đầu tư xây dựng nhóm A nhất là các dự án có sử dụng ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, theo điều 69 của dự thảo luật, Chủ tịch UBND đặc khu có thẩm quyền vừa lập dự án, vừa thẩm định dự án, vừa phê duyệt dự án, vừa ký kết hợp đồng đầu tư dự án. Đây là quy trình có nhiều công đoạn khác nhau, được thực hiện bởi nhiều chủ thể khác nhau.
Nếu chỉ giao cho 1 cá nhân thực hiện toàn bộ quy trình này, có lẽ sẽ rất khó đảm bảo tính khách quan, hợp lý. Rất có thể có trường hợp gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước.
Về phương án giao cho Chủ tịch UBND đặc khu toàn quyền lựa chọn nhà thầu, phải làm rõ thẩm quyền đó phải gắn liền quy định của Luật đấu thầu. Có những nguyên tắc cơ bản chúng ta vẫn phải thực hiện. Có những trường hợp chỉ định thầu, đấu thầu tập trung,... cần phải được cân nhắc, tính toán kỹ".
Bình luận