• Zalo

Chủ tịch Trương Gia Bình: 'Không phải ai cũng sẵn sàng coi đồng nghiệp là người thân'

Giáo dụcThứ Sáu, 21/10/2016 18:16:00 +07:00Google News

Ông Trương Gia Bình cho rằng “Tư duy người chủ” lại là thứ khó tạo cảm hứng nhất vì không phải ai cũng sẵn sàng coi đồng nghiệp là người thân và xem công việc đang làm là một phần việc “làm cho gia đình”.

Sau hội thảo “Tăng trưởng hay là chết” tại Hà Nội, Viện Quản trị Kinh doanh FSB (Đại học FPT) đã mang tới cho các học viên, các doanh nhân trẻ hội thảo “Tư duy người chủ” với diễn giả là Chủ tịch FPT Trương Gia Bình.

Buổi hội thảo đã thu hút được đông đảo doanh nghiệp trẻ, các bạn học viên thạc sĩ quản trị kinh doanh chăm chú theo dõi.

1

 Hội thảo “Tư duy người chủ” với diễn giả là Chủ tịch FPT Trương Gia Bình.

Tại hội thảo, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đã chia sẻ với đội ngũ doanh nhân, các nhà quản lý trẻ những tri thức mới, những bài học thực tiễn về kinh doanh và quản trị từ các hội thảo thế giới, đặc biệt là Diễn đàn kinh tế thế giới Davos - nơi quy tụ tới 2.500 người, trong đó có khoảng 40 nguyên thủ quốc gia và Câu lạc bộ Founder’s Mentality có sự tham dự của Founder kiêm CEO Michael Dell.

Theo ông, các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới đã đúc rút để doanh nghiệp phát triển trường tồn, người lãnh đạo cần có 3 yếu tố: "Khát vọng cháy bỏng, Ám ảnh khách hàng và Tư duy người chủ".

Đây là những yếu tố tiên quyết mà không những người lãnh đạo doanh nghiệp cần phải nắm vững, thấm nhuần, mà đồng thời phải chia sẻ, truyền cảm hứng được cho cấp dưới.

Nếu như hai yếu tố đầu khá đơn giản để truyền cho đội ngũ nhân viên, thì “Tư duy người chủ” lại là thứ khó tạo cảm hứng nhất. Bởi lẽ, không phải ai cũng sẵn sàng coi đồng nghiệp là người thân và xem công việc đang làm là một phần việc “làm cho gia đình”.

Nếu lãnh đạo không quản trị tốt được điều này, khi công ty phát triển đến một mức độ nào đó, sẽ rất khó để kiểm soát.

2

 

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho rằng tư duy làm chủ cần phải thay đổi so với trước đây.

"Nên và phải tìm ra được những nhân viên có tư duy làm chủ. Tức là họ thấu hiểu và đồng cảm với sứ mệnh công ty, có chung ám ảnh khách hàng. Từ đó tạo ra những nhóm đồng nhất. Cơ chế kiểm soát phải tạo ra sự thoải mái, trao quyền nhưng có sự kiểm soát thông minh. Cơ chế hậu kiểm là một cơ chế hay, linh hoạt được hầu hết các doanh nghiệp nước ngoài áp dụng", ông Trương Gia Bình nói.

Vì vậy, vị Chủ tịch tập đoàn FPT cho rằng cần trao quyền nhiều nhất ở bộ phận tiếp xúc với khách hàng.

3

 

Ông Bình cũng bật mí “bí quyết kinh doanh thành công” là không bao giờ xa rời khách hàng. Vì vậy, các doanh nghiệp hãy luôn hỏi khách hàng một cách ngẫu nhiên, nhẹ nhàng, cởi mở như trò chuyện "chứ đừng làm ra các bộ câu hỏi rườm ra, cứng nhắc như đi nghiên cứu thị trường".

"Các doanh nghiệp thường quan tâm đến địch, đối thủ cạnh tranh và coi đó là nỗi sợ hãi. Nhưng thay vào đó hãy nghiên cứu đối thủ có đối xử với khách hàng tốt hơn mình hay không?", ông Bình lưu ý.

Trong tất cả các lĩnh vực kinh doanh, ông Bình cho rằng cần đầu tư vào công nghệ.

"Không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Mỹ Obama kêu gọi mọi công dân Mỹ cần phải biết lập trình. Công nghệ đã và sẽ chi phối mọi mặt trong quản lý vận hành doanh nghiệp", Chủ tịch FPT Trương Gia Bình nhấn mạnh.

Buổi hội thảo này được mô phỏng theo một buổi học thông thường của chương trình Thạc sĩ Quản trị kinh doanh chuẩn quốc tế FeMBA và MiniMBA của Viện Quản trị Kinh doanh FSB.

Mục đích của chương trình là giúp các nhà quản lý Việt Nam tiếp cận với cách giảng dạy của doanh nhân trong chương trình FeMBA/MiniMBA, giúp họ xác định mức độ phù hợp của chương trình với nhu cầu học tập của mình trước khi quyết định theo học tại FSB.

Điểm đặc biệt trong đào tạo của Viện Quản trị kinh doanh FSB là có tính thực tiễn cao với 30% giảng viên là các doanh nhân, nhà lãnh đạo đến từ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn tại Việt Nam. Các bài học cũng được gắn liền với thực tiễn thông qua 100 tình huống nổi tiếng (case study) về quản trị trên thế giới và Việt Nam.

Vân Anh
Bình luận
vtcnews.vn