Chiều 30/10, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10, 10 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cuối năm 2023.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng, hội nghị nhằm tìm ra các giải pháp để chạy nước rút hoàn thành mục tiêu nhiệm vụ kế hoạch năm 2023. Bên cạnh đó sẽ có nội dung liên quan đến sơ kết quyết định của UBND thành phố về công tác phối hợp giữa các cơ quan trên địa bàn.
Đây cũng là điểm nghẽn thời gian qua, cần sơ kết kịp thời để xác định giải pháp cho thời gian tới.
"Sáng nay, Ban cán sự Đảng UBND TP.HCM đã cho ý kiến quy chế làm việc của Uỷ ban. Trong đó, xác lập một số quyết tâm đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền từ UBND TP.HCM, Thường trực UBND đến các thành viên Ủy ban, các sở, ngành và cấp huyện; Áp dụng mạnh mẽ hơn quy trình điện tử để giám sát quá trình giải quyết các thủ tục hành chính, là cơ sở xử lý trách nhiệm hành chính các cơ quan", ông Mãi thông tin.
Một nội dung khác trong phiên họp là UBND TP.HCM sẽ xin ý kiến từ các đơn vị góp ý cho chủ đề năm 2024. Người đứng đầu chính quyền TP.HCM cho rằng, chủ đề năm 2024 của thành phố không nên ôm đồm quá nhiều mà cần tập trung ở khâu thực hiện.
Cụ thể là việc thực hiện Nghị quyết 98 thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù. Mặt khác, năm 2024 cũng là năm nước rút của TP.HCM để chuẩn bị để về đích cuối nhiệm kỳ.
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, trong 10 tháng đầu năm 2023, thành phố duy trì đà tăng trưởng đối với hoạt động sản xuất công nghiệp và sức mua trong nước, đảm bảo cung cầu hàng hóa, duy trì ổn định hoạt động ngân hàng.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 10 tháng đầu năm 2023 tăng 3,7% so với cùng kỳ. Đối với 4 ngành công nghiệp trọng điểm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,3%.Trong đó, ngành hóa dược tăng 19,2%; ngành cơ khí tăng 7,4%; ngành sản xuất hàng điện tử tăng 6,0%; ngành lương thực thực phẩm và đồ uống giảm 6,0%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng năm 2023 ước đạt 978.681 tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ. Tổng thu du lịch ước đạt 140.048 tỷ đồng, tăng 32,6% so với năm 2022.
Tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 372.708,110 tỷ đồng, đạt 79,35% dự toán và bằng 91,85% so cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương (không tính tạm ứng) là 63.894,241 tỷ đồng, đạt 50,57% dự toán, tăng 55,16% so cùng kỳ.
Trong lĩnh vực ngân hàng, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến cuối tháng 10/2023 ước đạt 3.386.500 tỷ đồng, tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tiền gửi VNĐ tiếp tục tăng trưởng và chiếm tỷ trọng cao trong tổng nguồn vốn huy động, chiếm 92,2% tổng nguồn vốn huy động.
Đối với lĩnh vực y tế, trong 10 tháng đầu năm, trên địa bàn TP xuất hiện nhiều dịch bệnh nguy hiểm như sốt xuất huyết, tay chân miệng, đau mắt đỏ, đậu mùa khỉ (mpox).
TP.HCM và ngành Y tế đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp để tiếp tục kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, không để xảy ra tình trạng “dịch chồng dịch”.
Đặc biệt, ngành Y tế đã chủ động phát hiện tác nhân gây dịch bệnh (bằng phương pháp giải mã gene), kể cả tác nhân gây ngộ độc thực phẩm giúp kiểm soát dịch bệnh và điều trị người bệnh hiệu quả.
Thành phố cũng ghi nhận nhiều điểm sáng khi hoạt động công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức có sự chuyển biến tích cực. Các chính sách, văn bản triển khai thực hiện cơ chế thí điểm chính sách đặc thù phát triển TP.HCM từng bước được hoàn thiện, tổ chức thực thi tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế của TP tiếp tục được tăng cường, mở rộng, nâng cao hình ảnh, thương hiệu địa phương. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng 15%, tỷ lệ vốn đăng ký của doanh nghiệp tiếp tục chiều hướng tăng, tháng sau cao hơn tháng trước.
Cũng theo báo cáo, mặc dù đạt được một số kết quả tích cực, trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, thương mại và đầu tư toàn cầu sụt giảm, thị trường xuất khẩu trên địa bàn tiếp tục gặp nhiều khó khăn (lũy kế 10 tháng đầu năm giảm 13,4% so cùng kỳ). Tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức thấp so với mục tiêu đề ra.
Chương trình kích cầu đầu tư của TP.HCM bị gián đoạn, chưa kịp thời trở thành nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp. Cùng với đó là việc cắt giảm lao động tăng, tạo áp lực lên công tác an sinh xã hội của TP và việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Bình luận