Sáng 20/6, tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ diễn ra tọa đàm: "Thái Nguyên - Tiềm năng phát triển và cơ hội đầu tư", với sự tham gia của các khách mời: Ông Vũ Hồng Bắc (Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên), ông Vũ Tiến Lộc (Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) và ông Nguyễn Văn Thời (Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên).
Phát biểu về tiềm năng phát triển của tỉnh Thái Nguyên, ông Vũ Hồng Bắc cho biết, những năm vừa qua, tỉnh Thái Nguyên có những bước phát triển đột phá, đặc biệt là kinh tế. Sở dĩ có được kết quả như vậy là vì phương châm của tỉnh là coi trọng người dân và doanh nghiệp, lấy người dân và doanh nghiệp là đối tượng phục vụ.
"Chúng tôi coi trọng việc đầu tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất. Tốc độ tăng trưởng của tỉnh Thái Nguyên tăng gấp đôi so với trung bình cả nước. Người dân có thu nhập bình quân đạt 68 triệu đồng/người/năm, cao nhất trong các tỉnh vùng núi phía Bắc", ông Bắc cho biết.
Theo ông Bắc, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đánh giá rất cao vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong sự phát triển của địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp địa phương.
"Chúng tôi luôn coi trọng, hỗ trợ, đồng hành doanh nghiệp, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp có cơ hội phát triển. Chính quyền Thái nguyên luôn cam kết, tạo cơ hội để các nhà đầu tư đến với Thái Nguyên và điều đó hiện nay đã được cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài ghi nhận. Thái Nguyên hiện là cơ hội vàng cho các nhà đầu tư", ông Bắc nhấn mạnh.
Về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), sử dụng tài nguyên đất đai, ông Bắc cho rằng, Thái Nguyên luôn là một trong những tỉnh đề cao, coi trọng công tác quản lý, đầu tư theo quy hoạch.
"Chúng tôi đặc biệt coi trọng chất lượng quy hoạch. Thái Nguyên là một trong những địa phương quan tâm đến xây dựng đồng bộ, hạ tầng, tạo sự liên kết giữa công nghiệp và nông nghiệp, du lịch, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, coi PCI là một chỉ tiêu quan trọng.
Chúng tôi thường xuyên làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI, luôn coi trọng việc nâng cao năng lực cạnh tranh, chỉ số quản lý doanh nghiệp hành chính công.
Công tác GPMB luôn là 1 điểm mấu chốt trong quá trình thu hút đầu tư. Ở đâu làm tốt thì ở đó sẽ có hiệu quả và thu hút được nhiều nguồn lực. Thái Nguyên có nhiều kinh nghiệm trong giải phóng mặt bằng, ví dụ như đối với Samsung.
Hiện nay, GPMB vẫn là 1 khâu hàng ngày gặp trở ngại ở các địa phương, do đó chúng tôi rất quan tâm. Phải coi công tác này là 1 điểm nhấn, làm tốt công tác này chúng ta sẽ thu gặt được những hiệu quả trong đầu tư", ông Bắc nói.
Đánh giá về quá trình cải cách thủ tục hành chính ở tỉnh Thái Nguyên, ông Nguyễn Văn Thời cho biết, các chỉ số đo lường, đánh giá việc cải cách thủ tục hành chính của các cơ quan công quyền liên quan đến tạo môi trường doanh nghiệp của Thái Nguyên xếp trong top 10 trên cả nước và được doanh nghiệp hài lòng, đánh giá cao.
Một số ngành, ví dụ như ngành thuế trong nhiều năm qua tích cực cải cách, liên quan thủ tục kê khai, hoàn thuế… giúp doanh nghiệp giảm được chi phí thời gian.
"Đặc biệt, việc đóng thuế thông quan điện tử giúp giảm thời gian và phiền hà rõ rệt cho doanh nghiệp", ông Thời cho biết.
Trong những năm qua, Thái Nguyên áp dụng cơ chế 1 cửa liên thông, đăng ký kinh doanh thông qua cổng điện tử , giảm thời gian đăng ký xuống còn 2 ngày, giảm thời gian thực hiện thủ tục cấp phép đầu tư xuống còn 15 – 20 ngày. Bên cạnh đó, các thủ tục thông qua hải quan cũng rất tích cực cải thiện.
"Các cấp lãnh đạo tỉnh đều đang ra sức cải cách thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, điều này đã được doanh nghiệp nhận thấy và rất hài lòng về những thủ tục hành chính trong những năm qua mà Thái Nguyên thực hiện", ông Thời nhấn mạnh.
Về tình trạng thanh tra doanh nghiệp chồng chéo ở tỉnh, ông Thời cho biết, sau khi có chỉ thị từ Thủ tướng, tỉnh Thái Nguyên kịp thời ra văn bản hướng dẫn, quy định các ngành muốn thanh tra doanh nghiệp thì phải gửi cho lãnh đạo tỉnh phê duyệt.
Video: Lão nông Thái Nguyên nuôi hàng ngàn con cá lăng trên núi kiếm 3 tỷ đồng mỗi năm
"Doanh nghiệp nào bị các ngành thanh tra 2 lần/năm thì phải báo lại. Do vậy, hiện tượng doanh nghiệp bị thanh tra chồng chéo rất hạn chế ở Thái Nguyên", ông Thời kết luận.
Trong những năm gần đây, Thái Nguyên là một trong những tỉnh/thành phố có nhiều tiến bộ trong công tác cải cách hành chính, xếp 15 trên cả nước về chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh PCI và là 1 trong 2 tỉnh đứng đầu các tỉnh miền núi phía bắc, điều này đã phản ánh chất lượng đầu tư hiệu quả ở Thái Nguyên.
"Thái Nguyên cũng là một trong những tỉnh dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, ví dụ điển hình là Samsung. Điều này cho thấy những nỗ lực ở địa phương trong việc tạo điều kiện, môi trường kinh doanh, đầu tư và phát triển thuận lợi cho các doanh nghiệp", ông Vũ Tiến Lộc cho biết.
Theo ông Lộc, các doanh nghiệp đánh giá cao về Thái Nguyên trong các cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là chỉ số về giải phóng mặt bằng, đất đai, cùng với đó là tính năng động của chính quyền địa phương, chất lượng đào tạo, nguồn nhân lực được đánh giá cao.
Bên cạnh đó, Ông Lộc cũng chia sẻ, điều mà các nhà đầu tư và doanh nghiệp trông mong nhất ở chính quyền và Hiệp hội đó là đề ra những biện pháp thực hiện nhất quán các Chính sách cải cách trên ở địa phương.
"Để thực hiện việc này một cách hiệu quả, những người lãnh đạo tỉnh phải quyết liệt, làm sao cho bộ máy thực hành ở dưới được nhất quán trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, thực hiện nhất quán từ bộ máy lãnh đạo đến thi hành để khuyến khích, động viên các doanh nghiệp đầu tư", ông Lộc kết luận.
Bình luận