Mở đầu cuộc đối thoại, ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn nêu quan điểm: "Không phải đối thoại cho xong, mà mọi việc phải tốt lên, tìm ra cách đối thoại phải hợp lý".
Bên cạnh đó, ông Thiệu yêu cầu, Chủ tịch UBND và các sở, ban ngành tỉnh Lạng Sơn không từ chối bất cứ câu hỏi nào của bà con, đồng thời còn cung cấp cả số điện thoại cá nhân của mình để bà con nông dân có thể đối thoại bất cứ lúc nào khi cần vai trò của Chủ tịch tỉnh giải đáp và hướng dẫn trong quá trình phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới...
Ông Thiệu cũng yêu cầu các sở, ban ngành đưa ra những câu trả lời đúng đắn với chủ trương của Nhà nước, quy định của pháp luật, sát với thực tế để đưa ra giải pháp tháo gỡ phù hợp cho những vướng mắc trong quá trình sản xuất kinh doanh của bà con tỉnh Lạng Sơn.
Trả lời câu hỏi: "Thời gian vừa qua, giá cả các loại vật tư nông nghiệp đều tăng cao ảnh hưởng lớn đến phát triển sản xuất, nhất là khi bên Trung Quốc thực hiện chính sách ZeroCovid việc xuất khẩu nông sản khó khăn trong đó giá trâu, bò giảm mạnh làm cho nhiều hộ chăn nuôi trâu, bò vỗ béo bị thua lỗ, vậy tỉnh có giải pháp gì để tiếp sức,hỗ trợ người nông dân?"của nông dân Vi Văn Can (xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn), Ông Hồ Tiến Thiệu cho biết, trước kia chính sách biên giới giữa ta và bạn còn dễ dàng, thì bà con xuất khẩu tiểu ngạch trâu, bò thịt qua biên giới khá thuận lợi nên được giá nhưng bây giờ nước bạn xiết chặt.
Do vậy, nông dân Lạng Sơn cần hướng về thị trường tiêu thụ nội địa. Vì theo nghiên cứu thì hiện nay nhu cầu thịt trâu – bò ở trong nước chúng ta chưa đáp ứng đủ, mà vẫn phải nhập khẩu. Giá thịt trâu bò vẫn còn cao, do vậy nông dân cũng cần lưu ý tới phương án chăn nuôi trâu- bò vỗ béo cần giá thấp hơn nữa, làm sao để nhiều người hơn nữa được sử dụng sản phẩm thịt ngon từ trâu – bò, góp phần tiêu thụ đàn trâu bò tồn đọng đang vỗ béo trong tỉnh.
Chủ tịch tỉnh Lạng Sơn cũng yêu cầu Sở Công Thương sớm đàm phán với khách hàng nước ngoài, để mở rộng thị trường nối lại hoạt động thông thương như trước kia để bà con nông dân nuôi vỗ béo trâu bò thuận lợi trong khâu tiêu thụ.
Nông dân Trần Văn Hưng ở thị trấn Nông trường Thái Bình, huyện Đình lập hỏi: "Trên địa bàn thị trấn Nông trường Thái Bình có 3 sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao đó là chè Ô Long, chè Ngọc Thúy và chè Bát Tiên, tuy nhiên, việc tiêu thụ còn gặp nhiều khó khăn. Vậy tỉnh có giải pháp gì giúp việc mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm chè của địa phương?"
Giải đáp vấn đề này, ông Hồ Tiến Thiệu khẳng định, sản phẩm chè của Đình Lập rất ngon, tỉnh đã lựa chọn làm sản phẩm quà biếu, tặng mỗi khi đi đối ngoại trong nước và quốc tế. Nhưng tại thị trường trong nước, mẫu mã, bao bì của chè Đình Lập còn ít đổi mới, dẫn tới sự chú ý của khách hàng chưa cao.
"Bản thân tôi đã mang chè Đình Lập sang Úc giới thiệu, đối tác Úc cũng đã sang Lạng Sơn để khảo sát, nhưng khi họ yêu cầu ta cung cấp sản lượng thì chúng ta có sản lượng thấp quá không đủ xuất khẩu, mặc dù chè của ta rất tốt, đáp ứng được các tiêu chuẩn", ông Thiệu nói.
Chính vì vậy, ông Thiệu đề nghị, sản phẩm chè của Đình Lập phải thay đổi mẫu mã đa dạng, đẹp hơn nữa, bắt mắt và tinh xảo vì sản phẩm chè đã ngon, tốt thì phải có mẫu mã phù hợp.
Lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn và các sở ngành luôn tận dụng mọi cơ hội để giới thiệu sản phẩm của nông dân trong tỉnh, trong đó có chè Đình Lập.
Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết, nông dân xã Nam Quan, huyện Cao Lộc nêu câu hỏi: "Tình hình ô nhiễm môi trường ở nông thôn ngày nay đang ở mức báo động, đặc biệt là việc xử lý rác thải bằng cách đốt rất ô nhiễm môi trường, các bãi rác cũng chưa được chôn lấp đảm bảo kỹ thuật gây ô nhiễm không khí và nguồn nước. Vậy tỉnh có giải pháp gì để xử lý, khắc phục tình trạng này?".
Ông Hồ Tiến Thiệu chia sẻ, mỗi năm tỉnh Lạng Sơn đã chi hơn 100 tỷ đồng cho công tác thu gom rác sinh hoạt, hiện nay tỉnh đang xem xét dự án điện rác của một doanh nghiệp đang đầu tư trên địa bàn, qua đó sẽ thu gom rác toàn tỉnh về để xử lý đốt và tạo ra điện.
Chủ tịch tỉnh Lạng Sơn cũng mong muốn bà con có ý thức bảo vệ môi trường, vứt rác đúng nơi quy định. "Cái này không ai làm thay được bà con nông dân, chỉ có ý thức của bà con tốt thì mới tạo ra môi trường nông thôn sinh thái, nông nghiệp hiện đại, nông dân văn minh", ông Thiệu khẳng định.
Bình luận