"Chủ tịch tỉnh không ăn theo Bí thư tỉnh ủy"

Văn hóa - Giải tríThứ Hai, 11/07/2011 06:29:00 +07:00

(VTC News) – “Tôi cầm kịch bản Chủ tịch tỉnh trước khi Bí thư tỉnh ủy ra đời. Tôi khẳng định, Chủ tịch tỉnh không hề ăn theo”, đạo diễn Bùi Huy Thuần bộc bạch.

(VTC News)Mới công chiếu được 1/3 chặng đường nhưng “Chủ tịch tỉnh” đã trở thành cơn sốt của khán giả truyền hình. Bên cạnh rất nhiều khen ngợi, “Chủ tịch tỉnh” cũng bị một số người cho rằng ăn theo sự thành công của bộ phim “Bí thư tỉnh ủy” trước đó của đạo diễn Quốc Trọng. Trước vấn đề này, đạo diễn Bùi Huy Thuần khẳng định: “Tôi cầm kịch bản Chủ tịch tỉnh trước khi Bí thư tỉnh ủy ra đời. Tôi chắc chắn rằng, Chủ tịch tỉnh không hề ăn theo Bí thư tỉnh ủy!”.

33 năm trong nghề đạo diễn, Bùi Huy Thuần nổi tiếng với hàng loạt bộ phim về đề tài cảnh sát hình sự hấp dẫn như: Cổ vật, Những cánh hoa bay, Cuồng phong, Ngôi biệt thự màu tro lạnh...

“Gia tài” giải thưởng điện ảnh mà đạo diễn họ Bùi đang sở hữu trở thành niềm mơ ước của nhiều người: Huy chương vàng Liên hoan truyền hình toàn quốc cho các phim Những người hết thời, Khúc nhạc tuổi thơ; Huy chương bạc cho các phim Cho em một ngày vui, Chốn quê, và gần đây nhất là giải thưởng dành cho phim truyền hình được yêu thích nhất với phim Cuồng phong...

Đạo diễn Bùi Huy Thuần 

Chủ tịch tỉnh là bộ phim mới nhất của đạo diễn Bùi Huy Thuần và người cộng sự sản xuất đắc lực của ông trong phim này, không ai khác, chính là cậu quý tử tài năng thuộc thế hệ 8X – Bùi Quốc Việt. Tại lễ trao giải Cánh diều vàng 2010, đạo diễn trẻ Bùi Quốc Việt cũng nhận giải thưởng Cánh diều bạc cho phim Đầm lầy bạc.

- “Chủ tịch tỉnh” vừa công chiếu đã nhận được phản hồi rất tích cực từ đông đảo công chúng. Hẳn là anh đang rất vui?

- Sau khi sản xuất xong Chủ tịch tỉnh, cơ quan tổ chức họp báo và quyết định ra mắt phim sớm. Là người làm phim, được cơ quan quan tâm và khán giả đón nhận thì không gì sung sướng bằng. Quan trọng là tôi cảm thấy tâm huyết mình bỏ ra bước đầu đã được đền đáp. Chúng tôi coi đó là động lực để cố gắng hơn nữa cho những bộ phim tiếp theo.

 Hai cha con đạo diễn Bùi Huy Thuần - Bùi Quốc Việt (giữa) trong buổi họp báo ra mắt phim Chủ tịch tỉnh

- Là “ma” của làng đạo diễn phim về đề tài hình sự - trinh thám với hàng loạt các bộ phim cảnh sát hình sự nhưng anh lại chuyển sang làm phim về đề tài chính luận như “Chủ tịch tỉnh”. Có những thuận lợi và khó khăn gì khác biệt so với các bộ phim trước đó không?

- Theo tôi nghĩ, làm phim chính luận dễ đi vào lòng dân hơn so với dòng phim hình sự. Tuy nhiên, với mỗi thể loại phim đều có những thuận lợi và khó khăn riêng. Ví dụ như phim hình sự mình sẽ khó khăn về phương tiện, các màn võ thuật, đánh đấm… mặc dù tôi có quan hệ rất tốt với Hội Võ thuật Việt Nam. Cái chính là hạn chế về kinh phí không cho phép tôi thực hiện đúng những ý đồ nghệ thuật đặt ra ban đầu.

Còn làm phim chính luận lại rất khó khăn về trường quay. Dòng phim này chủ yếu nói về đề tài tiêu cực nên các đạo diễn thường phải nhọc công tìm, chọn bối cảnh thật để lột tả nội dung phim. Trong khi đó, dân mình đều không muốn có ai đó tự dưng đến nhà để “bới lông tìm vết”.

Có những phim ngay đến những ngày cuối cùng mới quay được cảnh chính, như Ngôi biệt thự màu tro lạnh gần đây chẳng hạn. Không một nhà dân nào chịu chứa chấp và để người xem nghĩ rằng chính nhà mình là nhà của tham nhũng, rồi có mấy cái xác chết ở trong đó. Chủ tịch tỉnh cũng đến những ngày cuối cùng mới được UBND tỉnh Bắc Ninh đồng ý và họ đã giúp đỡ rất nhiệt tình. Quả thật, hiếm có bộ phim chính luận nào mà được các cấp lãnh đạo giúp đỡ tận tình đến thế!

- Có nghĩa rằng việc chọn bối cảnh là khâu rất khó đối với “Chủ tịch tỉnh”?

- Đúng vậy! Bối cảnh là khâu rất quan trọng và khó khăn đối với mọi dòng phim, đặc biệt là dòng phim chính luận. Tuy nhiên cũng vì một phần mình chưa đi đủ nên việc tìm ra bối cảnh cực kỳ thuyết phục là một thách đố.

Đạo diễn Bùi Huy Thuần cho biết, việc chọn bối cảnh cho một bộ phim thuộc dòng chính luận như Chủ tịch tỉnh là cực kỳ khó

Ví dụ, khi các bạn xem những tập phim tiếp theo sẽ thấy đám nhân dân quần chúng bị mất đất kéo ra chặn xe rất đông, đến gần 200 người. Nếu tính đúng về mặt logíc thì sau khi chặn xe, mọi người sẽ kéo lên tỉnh. Nhưng nếu có gần 200 người đứng la hét ở cổng tỉnh thật thì là cả một vấn đề phức tạp. Người ta không cần biết mình làm phim hay làm gì, tự nhiên có một đám biểu tình là không được. Chính vì vậy, lượng người lập tức phải co lại. Phim của mình có thể bớt đi một chút để đỡ làm phiền người ta, nhưng cố gắng xô đẩy các tình tiết lên cao trào cũng là một việc khó.

- “Chủ tịch tỉnh” nói về tệ nạn trong giới quan trường như chạy chức, chạy quyền, quan liêu, tham nhũng… Đề tài nhạy cảm này có làm khó anh?


- Trước lúc làm một bộ phim, khi cầm và đọc kịch bản, chúng tôi phải ý thức được làm thế nào để tác phẩm mình làm ra được lên sóng. Tôi không e ngại các quan chức nhưng làm phim xong thấy hay và tâm đắc mà không được phát sóng thì công sức của mình cũng bằng không. Rất may là trong một hai năm trở lại đây, báo chí – truyền thông của chúng ta cũng đã đề cập nhiều tới các chủ tịch tỉnh ở nhiều nơi, đó là một vấn đề thuận lợi cho chúng tôi. Vì vậy, VFC đã làm được một bộ phim chỉ đích danh chủ tịch tỉnh.

- Nói như thế thì anh là đạo diễn “mê” sự gai góc?


- Thường thì ai cũng thích làm những bộ phim giải trí nhẹ nhàng, đơn giản, tình yêu tay ba, tay tư gì đó để câu khách. Thế nhưng dòng phim giải trí này bị xã hội hóa quá nhiều rồi, người người nhà nhà đổ xô đi làm phim kiểu này, buộc lòng chúng tôi phải làm một dòng phim khác để có chỗ đứng trong lòng công chúng.

Gai góc ư, có nề hà gì, trước nay những đề tài như vậy vốn là thế mạnh của tôi. Khi đọc kịch bản, thấy thích là tôi làm, bất kể sau này thế nào. Mấy chục năm kinh nghiệm làm phim, tôi đủ sức để “vặn vẹo”, né tránh thế nào đó cho phim không bị gác sóng.

Chủ tịch tỉnh được công chúng hết lời khen ngợi nhờ đề tài "tố" các tệ nạn gây nhức nhối trong giới quan trường hiện nay như chạy chức, chạy quyền, quan liêu, tham nhũng… 

Sắp tới, tôi làm phim Đàn trời cũng nói về tệ tham nhũng ở một tỉnh nhưng là tham nhũng về dự án 135. Bộ phim nói tới một băng đảng nhưng không phải là về mặt tối mà nói về vấn đề cuộc đời xô đẩy mỗi thành viên trong băng đảng ấy về một ngã rẽ khắc nghiệt, nhưng nó lại gai góc theo kiểu khác.

Theo tôi, phim càng gai góc thì khán giả càng hứng thú. Còn những dòng phim bảng lảng, nhạt nhẽo thì khán giả đã “bội thực” rồi.

- Ngay sau thành công của bộ phim “Bí thư tỉnh ủy” do đạo diễn Quốc Trọng dàn dựng thì lập tức đến “Chủ tịch tỉnh”. Anh nói sao khi nhiều ý kiến cho rằng, đây là một sự ăn theo?

- Bản thân tác giả là nhà văn Đình Kính cũng đã lên tiếng về vấn đề này. Nhân tiện tôi cũng nói luôn, tôi cầm kịch bản Chủ tịch tỉnh từ mấy năm trước nhưng vì bận với các dự án khác nên chưa có điều kiện để sản xuất. Thậm chí có lúc tôi còn nghĩ mình sẽ không sản xuất được. Đã có một anh đạo diễn vì đen đủi nên kịch bản bị “đổ” và Ban giám đốc của VFC có khuyên tôi nhường lại kịch bản này cho anh đó. Và tôi đã nhường, nhưng thấy kịch bản phức tạp, gai góc quá nên anh ấy đã trả lại. Vậy nên, tôi đã nắm lấy cái “duyên” với Chủ tịch tỉnh mà trời định tạo ra cho mình.

Nói là ăn theo thì tôi xin chắc chắn khẳng định là không. Không cứ gì khán giả mà ở ngay cơ quan VFC, nhiều người cũng bảo, mình đã có Bí thư tỉnh ủy rồi mà có thêm Chủ tịch tỉnh nó thế nào ấy. Đã có lúc cơ quan quyết định đổi tên phim là Đồng sau bão. Tính văn học của tiêu đề này cao hơn, hay hơn: cánh đồng sau cơn bão, sau cơn chạy chức chạy quyền, nhưng đối với người xem nó lại mơ hồ quá, nhất là phim có một lượng lớn khán giả là những người dân ở các vùng thôn quê có thể rất “hứng” với đề tài nóng hổi này. Không phải ai cũng hiểu Đồng sau bão là gì, nên tôi quyết định giữ nguyên tên gốc là Chủ tịch tỉnh.

Đạo diễn Bùi Huy Thuần khẳng định, Chủ tịch tỉnh không ăn theo Bí thư tỉnh ủy

- Có bao nhiêu phần trăm sự thật của cuộc sống đương thời trong “Chủ tịch tỉnh”?

- Chủ tịch tỉnh chỉ nói được một phần rất nhỏ sự thật trong cuộc sống hiện nay. Cuộc sống đương thời rất muôn màu. Bất cứ ai trong chúng ta đi đến các cơ quan công quyền đều tỏ ra bức xúc, khó chịu vì cái quan liêu của họ. Đó cũng là một trong những lý do mà bộ phim được người dân đón nhận.

- Tiêu chí chọn diễn viên của Chủ tịch tỉnh của anh là gì?


- Tôi không giống lớp trẻ, khi sản xuất phim, bao giờ tôi cũng tuân thủ tính văn học để chọn diễn viên “đúng chuẩn” cho phim. Tôi đọc đi đọc lại và hình dung ra nhân vật để phân từng cảnh quay một. Trong quá trình phân cảnh ấy, tự dưng trong đầu mình bật ra, ai sẽ là người đóng vai diễn này. Thứ nhất, tôi cực kì nguyên tắc trong lúc làm việc, giờ giấc lúc nào cũng phải khớp. Thứ hai, so với nhiều đạo diễn, tôi làm phim tương đối nhanh, nhanh không phải là mình giỏi giang hay tham mà vì tuân thủ đúng thời gian. Thứ ba nữa là qua mấy chục năm làm phim, hầu hết diễn viên đều là người thân thiết, thậm chí thân tới mức thù lao thế nào cũng được. Và một ưu điểm nữa, anh em “hành nghề” ở đâu đi chăng nữa nhưng khi thấy tôi có kịch bản hay đều rất nhiệt tình tham gia, bởi họ cũng là những nghệ sỹ tâm huyết với bạn bè, với nghề.

Nhờ những ưu điểm đó, như bạn đã thấy, Chủ tịch tỉnh có một dàn diễn viên “chuẩn”, như: NSƯT Phạm Cường, NSƯT Minh Hòa, NSƯT Trần Nhượng, NSƯT Minh Hằng, diễn viên Vi Cầm, diễn viên Minh Thảo...

- Và chính êkíp diễn viên chuyên nghiệp này đã góp công lớn cho Chủ tịch tỉnh. Đến Đàn trời, anh có tiếp tục hợp tác với họ?


- Với Đàn trời, êkíp sản xuất phim vẫn tiếp tục nhưng êkíp diễn viên chắc sẽ thay đổi. Tôi định mời Hoàng Dũng vào vai chủ tịch tỉnh và hai nhân vật nữ, một là vợ của Trưởng phòng Thời sự Tài liệu của một đài. Tôi định lấy chị Thu ở Hải Phòng và một chị nữa. Vì bộ phim này pha đôi chút hình sự, tức là có anh nhà báo đứng ra phanh phui những mặt xấu, tội tham nhũng của một người từ thuốc nổ đến khai khống số liệu. Ông chủ tịch tỉnh dùng quyền hành không cho cái xấu bị lên sóng.

Đàn trời cũng có chủ tịch tỉnh nhưng ông này còn tàn khốc hơn vị chủ tịch tỉnh trong phim Chủ tịch tỉnh, tức là họ ra mặt ngay từ đầu, họ vẫn nghĩ vì ở xa trung ương nên một tay có thể che trời.

NSƯT Phạm Cường xuất chúng trong vai Chủ tịch tỉnh

- Được biết kịch bản “Chủ tịch tỉnh” do nhà văn Đình Kính viết đã được VFC trả nhuận bút cao nhất từ trước đến nay. Anh có thể cho mọi người thỏa trí tò mò một chút?

- Trong mấy chục năm hành nghề, tôi và anh Đình Kính rất thân thiết. Tôi nhận kịch bản Chủ tịch tỉnh nhưng đã để anh Đình Kính chờ quá lâu. Nếu so với thực tế về tiền bạc thì anh Kính bị thua thiệt vì 1500 trang tương ứng với 50 tập, trong khi tôi sản xuất có 38 tập, 12 tập bỏ đi. Ở VFC khác với bên ngoài, khi có quyết định sản xuất thì Ban giám đốc thẩm định, thấy hay mới trả nhuận bút cho kịch bản. Bình thường một bộ phim giải trí cũng có giá 8 – 10 triệu/tập.

Anh Đình Kính được nhận cao nhất từ trước đến nay của Hãng thì đúng nhưng cũng chỉ 7 triệu 3/tập, mà trừ thuế đi thì không còn bao nhiêu. So với công sức anh ấy bỏ ra thì không phải là cao, trong khi số tập bị co lại gần 1/3. Bạn cứ nhân 38 tập lên thì sẽ biết là bao nhiêu.

Được cái, các tác giả đều quen biết nên có kịch bản hay là họ gửi cho chúng tôi chứ hơn 200 triệu mà bắt họ viết ròng rã hàng năm trời thì “phũ phàng” quá. So với dòng phim giải trí với những tình yêu tay ba, tay tư không phải huy động nhiều vốn sống mà cũng nhận được 8 - 10 triệu thì thế này thì vẫn “bèo” lắm!

- Có ý kiến khen ngợi rằng “Chủ tịch tỉnh” là cứu cánh cho phim truyền hình Việt, anh thấy vui không?

- Cứu cánh là lời của Giám đốc Đỗ Thanh Hải phát biểu, nếu như những phim trước đó là thảm họa thì Chủ tịch tỉnh sẽ là thảm họa trải lên đó. Không cứ bây giờ nó mới là cứu cánh, như các bạn biết, trong hai năm vừa rồi, phim xã hội hóa rất nhiều. Đương nhiên các nhà làm phim xã hội hóa phải đặt doanh thu lên hàng đầu. Lợi thế của họ là được quyền gọi quảng cáo và các thứ nên họ không quan tâm nhiều đến nội dung và phát ròng rã như vậy dễ làm khán giả thất vọng, trong khi đó thì chúng tôi vẫn sản xuất 200 tập phim một năm.

Các bạn hình dung thấy mấy năm gần đây, phim của tôi và Quốc Việt khá nhiều nhưng thật ra không phải. Đầm lầy bạc được Việt làm từ đầu năm 2008, Cuồng phong làm giữa hai năm 2008 và 2009, Ngôi biệt thự màu tro lạnh làm giữa năm 2009, Chủ tịch tỉnh làm năm 2010. Tức là các phim được làm trong nhiều thời điểm khác nhau nhưng lại bị dồn cục phát sóng một lúc, cái này là do cách sắp xếp chưa hợp lý, dễ làm khán giả hiểu lầm.

Chúng ta không biết xen kẽ giữa phim xã hội hóa với phim chính luận của VFC thì không thể gọi là cứu cánh được. Bởi vì, suy cho cùng, một bộ phim hay không thể cứu được cả một trời phim dở.

Như kịch bản của phim Xin thề! Anh nói thật, chúng tôi quyết định loại nhưng không hiểu sao bên ngoài vẫn sản xuất. Các cụ đã nói rồi: “Có bột mới gột nên hồ”. Vốn văn học đã không có thì dù tài thánh cỡ nào cũng không làm phim hấp dẫn lên được!


- Chỉ nói riêng mảng phim truyền hình Việt Nam hiện nay đã có sự khủng hoảng đáng kể về diễn viên. Ý kiến của anh?

- Tôi nghĩ điều này không sai. Ở đây có hai vế. Vế thứ nhất là chúng ta có đào tạo không? Chúng ta có! Nhưng khi đào tạo xong, chúng ta không ký hợp đồng với họ. Người ta không có nguồn sống, buộc phải đi làm nghề khác nhưng đến lúc được gọi thì cơ quan họ lại quản lý. Đấy là mặt trái của đào tạo.

Vế thứ hai, ở Hà Nội chủ yếu chỉ có hai đoàn: Đoàn kịch Trung ương và đoàn kịch Hà Nội. Diễn viên của Nhà hát Tuổi trẻ vì đã quá bận nên không thể tham gia vào mảng phim này. Đấy là lý do tại sao số lượng diễn viên bị hạn chế. Một điều nữa, nhiều khi chúng tôi muốn mời diễn viên ở các tỉnh nhưng lại mắc kẹt vấn đề kinh phí. Câu hỏi đặt ra trước tiên là: Khi về Hà Nội, họ ở đâu? Ví dụ như trong Chủ tịch tỉnh, chúng tôi mời chị Thu về, mang theo cả con. Chúng tôi phải thuê nhà nghỉ cho chị, cũng mất 400 ngàn một ngày.

Nguồn kinh phí của chúng ta vốn đã hạn hẹp lại phân phát theo kiểu cào bằng. Bối cảnh nông thôn cũng bằng bối cảnh thành phố, ông sáu bảy người cũng bằng ông một người… Sự cào bằng ấy không khuyến khích được đội ngũ làm phim. Cũng chính vì lý do này mà anh đạo diễn trước đó đã trả lại kịch bản Chủ tịch tỉnh.

- Tương lai, anh có chọn diễn viên tay ngang như ca sỹ, người mẫu để làm cho những bộ phim chính luận của mình bớt “khô”?


- Tôi không phản đối việc chọn diễn viên tay ngang, nhưng với một điều kiện là người ta phải có thực lực. Như phim Ngôi biệt thự màu tro lạnh cũng có anh Vũ là một ca sỹ đi đóng phim. Tôi tuyệt nhiên không dùng một anh ca sỹ để đánh bóng phim. Khi tôi mời, họ phải đến VFC vài ba lần để thử, nếu không đạt tôi không ngại loại thẳng để nhường cơ hội cho những diễn viên có thực tài.

- Vâng! Rất cảm ơn anh về buổi trò chuyện thú vị!

Hoàng Nghĩa
(Thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn