Tại cuộc họp "bất thường" này, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết, công ty Đại Nam huy động góp vốn trong khi dự án chưa được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 là sai.
Ngày 24/10, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức cuộc họp “bất thường” xung quanh vụ việc ông Dũng “lò vôi” gửi đơn tố cáo cá nhân ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương lên Thủ tướng Chính phủ do không phê duyệt quy hoạch xây dựng 1/500 đối với dự án nhà ở công nhân tại Khu Công nghiệp Sóng Thần 3 trái với quy định đã gây thiệt hại cho công ty Đại Nam.
Ông Lê Phú Cường, Phó giám đốc Sở Xây dựng Bình Dương tại cuộc họp 'bất thường' ngày 24/10 |
Phát biểu tại cuộc họp, ông Lê Phú Cường, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết, công ty Đại Nam huy động góp vốn trong khi dự án chưa được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 là sai.
Việc UBND tỉnh Bình Dương chậm phê duyệt quy hoạch 1/500 kéo dài tới 7 năm là không đúng mà chỉ kéo dài hơn 3 năm. Ngay sau đó, trả lời câu hỏi của các phóng viên, ông Cường cho rằng, việc chậm phê duyệt quy hoạch 1/500 kéo dài đến 3 năm là “chậm” chứ không phải… sai. Đại diện của Sở Xây dựng chỉ thừa nhận có “thiếu sót” khi không báo cáo bằng văn bản cho chủ đầu tư.
Trước đó, trong biên bản cuộc họp ngày 25/8/2009, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên môi trường và các cơ quan chức năng đi kiểm tra tình hình thực hiện dự án đã khẳng định công ty Đại Nam thực hiện quyền góp vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng đất là đúng quy định của Luật Đất đai.
Đến ngày 4/9/2009, ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cũng kết luận: “UBND tỉnh cho phép ứng vốn trước từ khách hàng, huy động vốn từ các nguồn vốn khác”, “Đoàn kiểm tra thống nhất việc thỏa thuận góp vốn của chủ đầu tư là phù hợp với quy định pháp luật”.
Thế nhưng, khi ông Dũng thôi giữ chức Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, ông Cường lại khẳng định: “Việc huy động góp vốn của công ty Đại Nam là sai”. Tại cuộc họp, ông Cường còn cho rằng, theo các quy định về Luật Xây dựng, quy hoạch, công ty Đại Nam thực hiện chưa đúng.
Vẫn tại cuộc họp “bất thường”, ông Cường khẳng định giấy phép tỉnh Bình Dương chỉ cho phép công ty Đại Nam thực hiện dự án “khu ở” trên diện tích 61,4 ha. Song, công ty Đại Nam đã làm sai quy hoạch và khi phân lô bán nền như khu nhà ở thương mại, nên tỉnh chưa phê duyệt 1/500.
Một góc KCN Sóng Thần 3. |
Trong một lập luận khác, một số phóng viên đưa ra dẫn chứng diện tích 61,4 ha đất dành cho dự án “khu ở” đã được UBND tỉnh Bình Dương cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho công ty Đại Nam với mục đích sử dụng là “đất ở” và thời hạn sử dụng lâu dài… có cơ sở pháp lý hay không? Ông Cường chỉ trả lời: “Căn cứ Luật kinh doanh nhà ở, Luật xây dựng…, nên xét thấy công ty Đại Nam … sai (?!).
Ông Võ Văn Lượng, Phó Văn phòng, đại diện UBND tỉnh Bình Dương vẫn cho rằng, công ty Đại Nam thực hiện sai quy hoạch và giấy phép ban đầu mà UBND tỉnh đã cấp. Lãnh đạo Sở Xây dựng đồng tình, Sở Xây dựng vẫn chưa hề nhận được hồ sơ xin được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500.
Do đó, việc công ty Đại Nam xin điều chỉnh quy hoạch khu dân cư đô thị 136,6 ha thuộc về thẩm quyền phê duyệt của Bộ Xây dựng và Chính phủ… Tuy nhiên, trong hồ sơ xin được phê duyệt, công ty Đại Nam đã từ bỏ mở rộng khu đô thị theo hướng “tăng đất Dịch vụ - Đô thị, giảm đất Khu Công nghiệp” cho phù hợp cảnh quan của thành phố Mới Bình Dương.
Công ty Đại Nam chỉ đề nghị UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 diện tích đất khu ở 61,4 ha như giấy phép kinh doanh đầu tư mà UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận từ năm 2006. Hồ sơ đã trình Sở Xây dựng dựa trê căn cứ biên nhận của Sở Xây dựng ngày 26/10/2009.
Theo Petrotimes
Bình luận