Cà phê Trung Nguyên có thể trả nhân viên hàng trăm triệu đồng, trong khi Tổng công ty nước giải khát Sài Gòn vì là doanh nghiệp 90% vốn nhà nước nên chỉ trả 34 triệu đồng cho Chủ tịch, 15-20 triệu cho chuyên gia.
Tại hội nghị Việt Nam CEO SUMMIT 2013 với chủ đề “Kinh tế sáng tạo”: Đổi mới để thành công, diễn ra 23/8 tại TP HCM, Chủ tịch Tổng công ty bia rượu nước giải khát Sài Gòn - Phan Đăng Tuất đặt ra vấn đề cạnh tranh không bình đẳng giữa doanh nghiệp nội - ngoại trên thị trường bia.
Tình trạng này, theo ông Tuất trước hết thể hiện ở chế độ tiền lương khi một doanh nghiệp có đến 90% vốn Nhà nước như Sabeco bị quy định rất chặt. Cụ thể với một vị chủ tịch như ông, hàng tháng cũng chỉ nhận lương 34 triệu đồng, do đó rất khó giữ chân các chuyên gia với mức thù lao dao động 15 - 20 triệu đồng một tháng, trong khi các tập đoàn đa quốc gia trả hàng nghìn USD cho các vị trí này.
“Ngay cả cà phê Trung Nguyên cũng vậy, ông Đặng Lê Nguyên Vũ có thể trả lương cho nhân viên của công ty 100-200 triệu một tháng, còn tôi thì không vì phải làm theo quy định. Do vậy, doanh nghiệp như Sabeco rất khó cạnh tranh một cách công bằng và minh bạch”, ông Tuất nói.
Ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). |
Tiếp đến là quy định khống chế chi phí quảng cáo không quá 10% chi phí hợp lý của doanh nghiệp là quá ngặt nghèo, làm khó doanh nghiệp trong nước, trong khi đó doanh nghiệp nước ngoài họ có thuận lợi với những cách chi khác như gửi chi phí đó ra nước ngoài. Cụ thể, các hãng ngoại đuợc hỗ trợ từ tập đoàn "mẹ", các đoạn quảng cáo với người nổi tiếng, đắt tiền nhưng khi đem vào Việt Nam họ chỉ việc phát lên tivi, mà không mất một đồng tiền thuế nào trong khi đó cũng là sản phẩm dịch vụ.
Cuối cùng là thiếu bình đẳng ngay cả trong văn hóa lối sống. Bởi theo ông Tuất, nhiều doanh nghiệp trong nước sẵn sàng chi hàng trăm tỷ để thực hiện các trách nhiệm xã hội, trong khi đối thủ nước ngoài không bắt buộc phải thực hiện điều này
Đồng tình với 3 quan điểm đầu nhưng hầu hết các vị chuyên gia tại hội thảo lại phản bác lại quan điểm thứ tư của ông Tuất vì cho rằng, việc doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm xã hội sẽ được người tiêu dùng ủng hộ và chú ý nhiều hơn. Theo ông Roland Schatz, Tổng giám đốc của Media Tenor International, để người tiêu dùng yêu sản phẩm của doanh nghiệp, đơn vị đó làm tất cả mọi việc để sao thuyết phục được người dùng. Trong mọi cách, việc thuyết phục bằng trái tim đồng cảm là con đường ngắn nhất, nên nếu nói chi phí cho cộng đồng, trách nhiệm xã hội không đem lại hiệu quả là không đúng.
Đánh giá thêm về môi trường cạnh tranh, ông Tuất chia sẻ, hiện nay thi trường bia ở Việt Nam khốc liệt nhất thế giới. 37 hãng bia nổi tiếng hầu như đều có mặt ở Việt Nam. Đặc biệt, ở Việt Nam sự chênh lệch giữa cốc bia rẻ nhất và đắt nhất tới 100 lần. Người dùng có thể uống cốc bia 2.000 đồng nhưng cũng có loại giá 200.000 đồng, trong khi đó điều này không xảy ra trên thế giới. Đấy là cơ hội cực tốt cho các hàng bia trên thế giới chen chân vào để chiếm lĩnh thị phần.
Theo Hồng Châu/Vnexpress
Bình luận