Mấy đời Bộ trưởng thì làm được?
“Đây là điều đáng lo lắng, nói là chúng ta hội nhập quốc tế, phát triển văn hóa nhưng kiều bào không biết tiếng, tôi đi nước ngoài tiếp xúc càng thấy đời thứ 2-3 ngày càng phát triển, càng đông nhưng không biết biết chữ Việt. Bộ trưởng có chấm dứt được tình hình này không? Bằng cách nào? Mấy đời Bộ trưởng thì làm được? Bộ trưởng đưa ra quyết sách gì để thúc đẩy tình hình này?” Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (trái) chất vấn Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận
Chủ tịch tiếp tục chất vấn: “Đồng chí có nói đồng bào ta chưa yên tâm về chất lượng giáo dục thời kỳ đổi mới, vậy đến 2016 hết nhiệm kỳ thì hàng năm chất lượng giáo dục đào tạo của ta có chuyển biến theo hướng tích cực thêm không? Liệu đồng bào ta có yên tâm hơn không? Bộ trưởng có yên tâm hơn không? Đến bao giờ chúng ta có nền giáo dục đào tạo yên tâm?”
Với phần chất vấn này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, nước ta đã có đề án dạy tiếng nước ngoài (khoảng 50 tỷ, triển khai khoảng 5 năm nay và đã hết dự án), theo đó, Bộ trưởng Luận cũng đề nghị Quốc hội quan tâm cho tiếp tục đề án này.
Về chuyển biến chất lượng giáo dục đào tạo, ý thức trách nhiệm của người đứng đầu ngành giáo dục, Bộ trưởng Luận cũng hứa với Chủ tịch Quốc hội và ĐBQH sẽ mang hết trí tuệ quyết tâm nghị lực của mình cùng tòan ngành, toàn dân triển khai hoạt động đổi mới GD&ĐT. “Hy vọng chất lượng sẽ từng bước thay đổi theo hướng tiến bộ”.
Chưa “ưng” câu trả lời này, Chủ tịch Quốc hội tái chất vấn: “Bao giờ chấm dứt việc các thế hệ đồng bào nước ngòai không biết tiếng Việt? Bao giờ đồng bào ta yên tâm và chất lượng giáo dục của nước ta?”
Bộ trưởng Luận nhìn nhận: “Dạy và học tiếng Việt còn phụ thuộc vào nhiều điều kiện, trước hết là môi trường sống của các cháu, Bộ GD&ĐT sẽ sử dụng mọi công cụ truyền thông để đưa tiếng Việt đến cho các cháu. Còn khẳng định tất cả các cháu Việt Nam ở nước ngòai, nhất là thế hệ thứ 3-4 biết tiếng Việt hết thì không đủ điều kiện để trả lời năm nào giải quyết hết!
“Tất cả chúng tôi quyết tâm triển khai, chúng tôi sẽ có phương án dựa vào thế hệ người Việt các thế hệ trước đây để triển khai mạnh mẽ quyết liệt” – Bộ trưởng Luận nói.
Sẽ nhân rộng mô hình trường thực nghiệm
Cũng trong phiên chất vấn, các ĐBQH “xoay” Bộ trưởng Luận về việc triển khai mở rộng mô hình trường thực nghiệm.
Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, trường thực nghiệm có sứ mạng thực nghiệm, thử nghiệm nhiều mô hình giáo dục khác nhau, trong đó có mô hình của GS Hồ Ngọc Đại. Đây là trường thuộc Viện nghiên cứu khoa học dùng để nghiên cứu ứng dụng như công nghệ mới.
“Tôi thấy mô hình này tốt. Tôi tìm hiểu thì nhiều tỉnh, nhất là ở các tỉnh biên giới phía bắc tôi nghe lãnh đạo địa phương nói tốt về chương trình này nên chúng tôi quyết định cho áp dụng. Việc gì có lợi thì làm, hiện chương trình được triển khai ở 35 tỉnh, cả miền núi và đồng bằng. Chúng tôi sẽ tổng kết mô hình này cho chính quy hóa, chắc chắn sẽ được áp dụng”.
Trả lời chất vấn của ĐBQH Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) về học giả bằng thật – Bộ trưởng Luận nhấn mạnh “chính là cách tuyển dụng của ta quá coi nặng bằng cấp mà không chú ý đến kỹ năng người học. Các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nước ngoài thì bằng cấp chỉ là điều kiện và họ sẽ thi tay nghề thực. Chúng tôi rất muốn hệ thống tuyển dụng của nhà nước ta không coi nhẹ bằng cấp nhưng không coi đó là điều kiện duy nhất” – Bộ trưởng Luận nói.
Trần Vũ
Bình luận