• Zalo

Chủ tịch Quốc hội: 'Trưng cầu ý dân thì phải để dân quyết định'

Thời sựThứ Ba, 12/05/2015 05:21:00 +07:00Google News

Chủ tịch Quốc hội cho rằng những vấn đề quan trọng đã được đem ra trưng cầu ý dân thì phải để nhân dân quyết định.

(VTC News) – Chủ tịch Quốc hội cho rằng những vấn đề quan trọng đã được đem ra trưng cầu ý dân thì phải để nhân dân quyết định.

Chiều 12/5, góp ý cho Luật Trưng cầu ý dân, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật cho rằng việc xác định cụ thể những vấn đề nào phải đưa ra trưng cầu ý dân phụ thuộc vào yêu cầu và điều kiện hoàn cảnh tại từng thời điểm nhất định. Vì vậy, khó có thể quy định cụ thể trong Luật.

Do vậy, cần quy định khái quát, những vấn đề đề nghị Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân là những vấn đề về Hiến pháp và những vấn đề quan trọng khác thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.

Đồng thời, để có cơ sở cho các chủ thể đề nghị và Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân, đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung các điều kiện và tiêu chí đối với vấn đề được đề nghị trưng cầu ý dân.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. (Ảnh: TTXVN)

Góp ý cho dự thảo luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng luật cần phải thể hiện rõ những việc trưng cầu ý dân và phạm vi.


 

Nếu để trưng cầu ý kiến của nhân dân thì phải để dân quyết định chứ Quốc hội không quyết định nữa.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng
 
“Đó là những việc thuộc thẩm quyền của Quốc hội nhưng Quốc hội thấy rằng phải xin ý kiến của dân để dân quyết định chứ Quốc hội không quyết định. Quốc hội tôn trọng dân nên mới trưng cầu ý dân”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.


Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội khẳng định: “Nếu để trưng cầu ý kiến của nhân dân thì phải để dân quyết định chứ Quốc hội không quyết định nữa. Cần làm rõ điều này”.

Tuy nhiên, khi Quốc hội muốn trưng cầu ý dân thì phải làm cho dân hiểu rằng đang cần nhân dân đưa ý kiến gì.

“Cần phải thuyết trình cho rõ ý của Quốc hội về nội dung trưng cầu ý dân. Người dân có thể thể hiện ý kiến của mình bằng “Đồng ý” hoặc “Không đồng ý” nhưng phải rất minh bạch”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Bàn về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước cho rằng cần phải quy định rõ những vấn đề không đưa ra trưng cầu ý dân như “Chia tách lãnh thổ quốc gia, sửa đổi Hiến pháp”.

Ông Ksor Phước cho rằng nếu không quy định cụ thể thì sẽ quá rộng lớn và chung chung nên khó thực hiện.

Về vấn đề trưng cầu ý dân, ông Ksor Phước cho rằng cần phải ghi rõ đó là những việc thuộc thẩm quyền Quốc hội nhưng chưa phê duyệt được.

Huỳnh Ngọc Sơn
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đưa ra nhiều góp ý. (Ảnh: TTXVN)

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị làm rõ việc xin ý kiến nhân dân khác trưng cầu ý dân thế nào.


“Vì nhiều luật, hiến pháp vừa qua chúng ta cũng lấy ý kiến nhân dân. Đó là nguyên tắc cơ bản cần quan tâm khi xây dựng dự án luật này”, ông Sơn nhấn mạnh.

Vị Phó Chủ tịch cũng đề nghị làm rõ các vấn đề được đưa ra xin trưng cầu ý dân.

“Dự thảo luật chưa nêu quy mô trưng cầu ý dân trong toàn quốc hay ở phạm vi địa phương. Vấn đề này cần nghiên cứu thêm. Không phải cái gì cũng đưa ra toàn quốc dẫn tới không khả thi và lãng phí.

Khi không được người dân đồng ý thì có lấy lại ý kiến hay không? Khoảng cách giữa các lần bao nhiêu?”, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn băn khoăn.

Video: Chặt 6.700 cây xanh phải xin ý kiến Quốc hội

VTV

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng đề nghị làm rõ việc xin ý kiến và trưng cầu ý dân. Luật này chưa thể hiện được sự khác nhau đó.

Đồng tình với ý kiến của đại biểu Ksor Phước, ông Hiển cho rằng các việc trưng cầu ý dân là việc vượt qua thẩm quyền của Quốc hội hoặc thuộc thẩm quyền Quốc hội nhưng nếu Quốc hội quyết định thì chưa đủ sức mạnh pháp lý.

“Nếu đã trưng cầu ý dân thì Quốc hội phải quyết định theo ý kiến của nhân dân”, ông Phùng Quốc Hiển bày tỏ.

Bên cạnh đó, ông Hiển cho rằng vấn đề toàn vẹn lãnh thổ và vai trò lãnh đạo của Đảng tuyệt đối không phải trưng cầu ý dân. Điều này cần ghi và khẳng định trong luật.

“Luật pháp phải rất đàng hoàng, không để mập mờ. Luật này mà hiểu thế nào thì rất nguy hiểm”, ông Hiển nêu ý kiến.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn