• Zalo

Chủ tịch Quốc hội: ‘Trưng cầu ý dân thì dân đồng ý mới làm’

Thời sựThứ Tư, 12/08/2015 07:40:00 +07:00Google News

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định những việc đưa ra trưng cầu ý dân thì dân đồng ý mới được làm.

(VTC News) – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định những việc đưa ra trưng cầu ý dân thì dân đồng ý mới được làm.

Chiều 11/8, tại phiên họp thứ 40 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khi cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật trưng cầu ý dân. 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (Ảnh: TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (Ảnh: TTXVN) 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh đây là vấn đề chính trị - xã hội rất quan trọng nên cần phải cân nhắc thận trọng để làm, đặc biệt là phải đảm bảo tính khả thi.

“Những nội dung quan trọng mà Quốc hội trưng cầu ý kiến của dân, dân đồng ý mới làm, dân không đồng ý thì không được làm”, Chủ tịch Quốc hội nêu ý kiến.

Ông Nguyễn Sinh Hùng cũng đưa ra một số nội dung phải trưng cầu ý dân như: Hiến pháp, việc liên quan đến quốc phòng-an ninh; đối ngoại quan hệ tới đất nước, ảnh hưởng tới sự phát triển tồn vong của đất nước; hay vấn đề kinh tế xã hội lớn làm ảnh hưởng tới quốc kế dân sinh.

Cũng có cùng quan điểm này, ông Nguyễn Doãn Khánh, Phó trưởng ban Nội chính Trung ương cũng nhận định việc trưng cầu ý dân là tiến hành trên cơ sở dân cho ý kiến rồi Quốc hội dựa vào kết quả mới quyết định.

“Tức là dân quyết trước, rồi Quốc hội mới làm theo ý dân quyết”, ông Khánh nêu quan điểm.

Ông Khánh cho rằng điều này thể hiện quyền lực cao nhất thuộc về người dân, đảm bảo tính khả thi, phù hợp với Hiến pháp.

Về vấn đề phạm vi và thủ tục về việc trưng cầu ý dân, Phó Trưởng Ban Nội Chính Trung ương đồng tình với ý kiến của Ủy ban pháp luật là lấy ý kiến trong phạm vi toàn quốc chứ không nên lấy ý kiến trong phạm vi địa phương và khu vực.
Ông Nguyễn Doãn Khánh, Phó trưởng ban Nội chính Trung ương
Ông Nguyễn Doãn Khánh, Phó trưởng ban Nội chính Trung ương

Tại phiên họp này, thường vụ Quốc hội đã thống nhất 4 nhóm vấn đề trưng cầu dân ý. Thứ nhất là về Hiến pháp; thứ hai là những vấn đề quốc phòng, an ninh đối ngoại liên quan đến vận mệnh quốc gia và liên quan đến sự phát triển của đất nước; thứ ba là những vấn đề có tính chất nguyên tắc liên quan đến Nhà nước pháp quyền, liên quan đến vấn đề dân chủ nhân dân; thứ tư là vấn đề kinh tế xã hội lớn, có ảnh hưởng, liên quan đến quốc kế dân sinh.

Video hội nghị cấp cao tam giác phát triển
 


Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh số lượng cử tri đi bỏ phiếu phải chiếm 3/4, tức là ít nhất là 75% cử tri đi bỏ phiếu trưng cầu ý dân thì cuộc trưng cầu đó mới được coi hợp lệ.

Quốc hội sẽ công bố kết quả trưng cầu ý dân bằng Nghị quyết của Quốc hội để đảm bảo tính chặt chẽ hơn.

Quan điểm này cũng được nhiều đại biểu đồng tình và cho rằng Thường vụ Quốc hội chỉ nên đứng ra thực hiện còn việc công bố kết quả trưng cầu ý dân sẽ do Quốc hội.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn