• Zalo

Chủ tịch Quốc hội: Tránh nóng vội, chuyển 'cực' quá nhanh trong chống dịch

Chính trịThứ Năm, 21/10/2021 17:50:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Chủ tịch Quốc hội lưu ý phải hết sức tránh việc nóng vội, chủ quan, chuyển từ cực này sang cực khác quá nhanh trong phòng, chống dịch và phát triển kinh tế.

Tại phiên thảo luận tổ ngày 21/10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Hải Phòng, Bắc Kạn, Đắk Nông, Sơn La… đều đánh giá cao Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Xã hội và Ủy ban Tài chính – Ngân sách về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Nhấn mạnh yêu cầu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Trung ương 4 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, vấn đề quan trọng đầu tiên hiện nay là phải đổi mới tư duy trong công tác phòng, chống dịch, đặt trọng tâm vào việc thích ứng an toàn, linh hoạt và có hiệu quả với dịch bệnh. Để làm được như vậy thì điều kiện tiên quyết là bao phủ vaccine + 5K và ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch.

Chủ tịch Quốc hội nhận định Việt Nam có cơ sở để tiếp tục triển khai thực hiện phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội bài bản, với những kinh nghiệm đã tích lũy được trong giai đoạn trước. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội lưu ý phải rút kinh nghiệm từ quá trình vừa qua để làm tốt hơn trong thời gian tới, đặc biệt, phải hết sức tránh việc nóng vội, chủ quan, chuyển từ cực này sang cực khác quá nhanh trong phòng chống dịch và phát triển kinh tế.

Chủ tịch Quốc hội: Tránh nóng vội, chuyển 'cực' quá nhanh trong chống dịch - 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Tốc độ tiêm vaccine hiện nay của nước ta đã nhanh hơn, có vaccine là tiêm được ngay, do đó, có thể sẽ bao phủ vaccine nhanh hơn kỳ vọng và như vậy có thể đẩy nhanh hơn tiến độ phục hồi kinh tế”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá. 

Về chương trình phục hồi kinh tế - xã hội trong và sau đại dịch, Trung ương đã bàn và hiện nay Chính phủ, Quốc hội đã triển khai nghiên cứu, xây dựng. Trên cơ sở đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng Chiến lược tổng thể để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội phải kèm theo điều chỉnh về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, việc phối hợp hai chính sách này trên cơ sở tính toán nguồn lực cụ thể, quy mô phù hợp, lộ trình hợp lý và trên nền tảng ổn định kinh tế, vĩ mô.

“Nhưng thực hiện không đơn giản. Vừa qua Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chủ động làm việc với các bộ, ngành và các chuyên gia kinh tế để tiếp cận trước. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đã tính đến việc báo cáo Quốc hội tổ chức Kỳ họp chuyên đề bất thường vào cuối năm để quyết định sớm vấn đề này, không chờ đến Kỳ họp thứ ba vì sẽ lỡ nhịp phục hồi của kinh tế thế giới”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Thực tế vừa qua, Nhà nước cũng triển khai gói hỗ trợ tài khoá, tiền tệ ước tính khoảng 4% GDP, chưa kể phần chi cho y tế, giảm tiền điện, nước, viễn thông… Do vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tính tổng thể gói chính sách đang được thực hiện để xác định dư địa còn lại cho điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, nhằm mục tiêu khơi thông, huy động nguồn lực và phân bổ có mục tiêu.

Qua các cuộc làm việc với các nhà khoa học, các cơ quan của Chính phủ về gói chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội cho biết một số nguyên tắc, quan điểm đã cơ bản thống nhất như: Chú trọng tăng cường đồng thời cả tổng cầu và tổng cung; phải sử dụng tổng thể cả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; phục hồi cả về kinh tế và xã hội.

Các chuyên gia và các cơ quan cũng thống nhất gói hỗ trợ phải đủ lớn, lộ trình hợp lý, trong đó, nhiều ý kiến đề nghị thực hiện gói hỗ trợ trong 2 năm 2022-2023, cụ thể, năm 2022 tập trung vào giải quyết giảm thiểu thiệt hại của dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội, điều kiện phục hồi, tăng tổng cầu, chuẩn bị năng lực đầu tư để năm 2023 có thể đưa ra gói kích thích kinh tế lớn hơn hướng đến các ngành, lĩnh vực có khả năng tăng trưởng cao như kết cấu hạ tầng, logistic, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh...

Đồng thời đề nghị xác định đúng, trúng mục tiêu của gói chính sách này, đưa vào các ngành nào để tạo tác động lan tỏa, kích thích khôi phục nền kinh tế. Bảo đảm hiệu quả, tránh tình trạng bị trục lợi, bị lợi ích nhóm thao túng.

Các chuyên gia cũng khuyến nghị, trước khi có gói chính sách mới thì phải tập trung làm thật tốt các gói chính sách hỗ trợ hiện có, chuẩn bị thật tốt để giải ngân đầu tư công nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, dù phòng chống dịch hay phục hồi hay phát triển ra sao thì Chủ tịch Quốc hội cũng như một số ý kiến tại Tổ đều cho rằng phải đánh giá đúng thực trạng kinh tế - xã hội hiện nay cũng như tác động của đại dịch trong từng lĩnh vực trên cơ sở đặt ra hàng loạt các câu hỏi: “Các ngành nào trong đại dịch đã chuyển từ “nguy” thành “cơ”? Có việc phân bổ lại dân cư, lao động tác tác động tới cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong thời gian tới? Phải phân tích rất kỹ lưỡng để xem dư địa tăng trưởng ở đâu?”, ông Vương Đình Huệ đặt vấn đề và yêu cầu Chính phủ cần xây dựng dữ liệu thông tin đầy đủ.

Chủ tịch Quốc hội cũng đồng ý với quan điểm của các ĐBQH về việc phải nâng cao hơn nữa năng lực phân tích, dự báo tình hình. Dự báo đúng thì mới có biện pháp đúng, không bị lúng túng, bất ngờ. Tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Tình hình kinh tế - xã hội của thế giới có phục hồi, tăng trưởng nhưng lại có sự phân hóa do độ bao phủ về vaccine.

Xuân Trường - Quang Tuyền
Bình luận
vtcnews.vn