Chiều 16/8, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết ông băn khoăn 2 vấn đề của dự thảo luật. Về quan hệ của luật này với hệ thống pháp luật, Chủ tịch Quốc hội dẫn lại ý kiến của Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 15/8 rằng "đây là luật hình thức, nội dung lại nằm ở luật khác".
"Luật hình thức thì quy định đến đâu và quy định cái gì? Phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật đã đầy đủ chưa khi tài sản vô hình đang có xu hướng phát triển, đồng thời đặt vấn đề có đem ra đấu giá không, đấu giá như thế nào đối với tài sản này?", ông Vương Đình Huệ nói.
Ông nêu ví dụ, luật hình thức ở một số nước có đấu giá lên và đấu giá xuống, nhưng đấu giá ở Việt Nam chỉ có đấu giá lên, vậy đấu giá xuống có áp dụng không và vì sao?
Vấn đề thứ hai là Luật Đấu giá tài sản "nóng lên" sau khi vụ đấu giá đất tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.HCM liên quan đến tập đoàn Tân Hoàng Minh. "Kết quả trúng thầu với giá hơn 2 tỷ đồng/m2 đất, sau cùng lại bỏ đi. Và họ nói theo Luật Đấu giá tài sản thì họ không vi phạm. Sau này ta xử (vụ án xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh) là xử tội khác chứ không liên quan đến vụ đấu giá đất", ông Vương Đình Huệ nói.
Chủ tịch Quốc hội nhắc chuyện phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường (khi đó là ông Trần Hồng Hà) nóng lên khi các đại biểu chất vấn về vụ bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm, tranh luận với nhau đây là vấn đề hình sự, dân sự hay hành chính.
"Sau phiên chất vấn đã yêu cầu sửa Luật Đấu giá tài sản. Thế lần sửa Luật Đấu giá tài sản này có khắc phục được chuyện đó không? Tôi không thấy nói, kể cả tờ trình lẫn báo cáo thẩm tra", Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.
Trước đó, thừa ủy quyền của Chính phủ trình bày tờ trình tại phiên họp, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản cần được ban hành nhằm tiếp tục thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa, chuyển đổi số, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Chính phủ đánh giá, việc sửa luật sẽ khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy tính chuyên nghiệp, công khai, minh bạch, khách quan, tính bền vững của hoạt động đấu giá; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động đấu giá tài sản cũng như công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.
Bộ trưởng Tư pháp nêu rõ, luật góp phần hoàn thiện các quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản theo hướng chặt chẽ, công khai, minh bạch, áp dụng thống nhất cho các loại tài sản đấu giá nhưng vẫn đảm bảo tính đặc thù của một số loại tài sản cụ thể trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp của Luật Đấu giá tài sản.
Đồng thời, luật cũng nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp trong hoạt động của tổ chức đấu giá tài sản; tăng cường trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật có liên quan; khắc phục những tồn tại, bất cập của hoạt động đấu giá tài sản hiện nay.
Theo ông Lê Thành Long, dự án luật cũng hướng đến bảo đảm sự quản lý thống nhất, hiệu quả của Nhà nước đối với tổ chức và hoạt động đấu giá tài sản; phân công, phân nhiệm rõ ràng, tạo cơ chế phối hợp hiệu quả trong quản lý nhà nước về đấu giá tài sản giữa Nhà nước với tổ chức xã hội - nghề nghiệp của đấu giá viên...
Bình luận