• Zalo

Chủ tịch Quốc hội: Luật này chưa rõ quản lý ai?

Thời sựThứ Sáu, 26/09/2014 09:00:00 +07:00Google News

(VTC News) – Chủ tịch Quốc hội đã chỉ ra nhiều thiếu sót trong dự án Luật tài nguyên, môi trường biển, hải đảo và đề nghị ban soạn thảo làm rõ.

(VTC News) – Chủ tịch Quốc hội đã chỉ ra nhiều thiếu sót trong dự án Luật tài nguyên, môi trường biển,  hải đảo và đề nghị ban soạn thảo làm rõ.

Chiều 26/9, Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo với nhiều  nội dung quan trọng. Đa số các ý kiến đều góp ý liên quan đến phạm vi điều chỉnh của luật này và trách nhiệm của các Bộ ngành.

Góp ý cho ban soạn thảo, TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội cho rằng việc dự thảo luật quy định giao cho Bộ Tài nguyên Môi trường quản lý chung cả nguồn lợi sinh vật là không hợp lý vì chỉ cơ quan chuyên ngành mới có cách bảo vệ và phát triển.

Ông Thảo cho rằng việc quản lý về nguồn lợi thủy sản phải do Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng không rõ đối tượng và phạm vi điều chỉnh trong dự án Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo
Góp ý cho dự án luật
, Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Sinh Hùng cho rằng dự án Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo do mới được đưa ra lần đầu nên còn rất nhiều vấn đề cần làm rõ. Hai điểm cần được tiếp tục nghiên cứu là về phạm vi điều chỉnh và đối tượng chịu điều chỉnh của luật này.

Việc nói đến tài nguyên môi trường biển là một nội dung rất rất rộng lớn. Vì vậy, ban soạn thảo cần làm rõ phần nào đưa vào quản lý chung.

“Cái này cần phải là rõ. Tài nguyên biển là những gì, môi trường biển là những gì. Từ đó luật này quy định phạm vi ở chỗ nào. Còn lại để cho các luật chuyên ngành quy định. Cần làm rõ để phân định trách nhiệm cho các Bộ trong các luật”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng băn khoăn về tính quy hoạch trong Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo liệu có thay cho các quy hoạch chi tiết trong các luật chuyên ngành không?

“Nếu thay thì phải nói trong luật. Ví dụ vùng này cho du lịch, phát triển thủy sản, đánh cá, quốc phòng…”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Vì vậy, rất nhiều ý kiến chuyên gia, đại biểu bày tỏ hy vọng luật này sẽ thay luật chuyên ngành để tạo sự thuận lợi cho quản lý và điều hành của Chính phủ trong quản lý và sử dụng tài nguyên biển đảo.

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Sinh Hùng cũng góp ý: “ Luật này chưa nói rõ đối tượng quản lý vì thế sẽ chồng chéo với các luật chuyên ngành. Vì vậy, cần phải làm rõ ai làm, làm thế nào?  Việc quản lý đối tượng trên đảo, trên biển cũng khác nhau”.
thủy hải sản
Nguồn lợi thủy hải sản của Việt Nam rất phong phú 
Đồng tình với quan điểm này, Phó Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng ban soạn thảo cần tiếp thu ý kiến và bổ sung thêm. Bên cạnh đó, ban soạn thảo cần rà soát, làm rõ phạm vi điều chỉnh dự án luật này.

“Quy định quản lý thế nào không chồng chéo quy định khác. Nếu các quy định khác mà không còn phù hợp thì phải bỏ”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.


Cũng góp ý cho dự án luật, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết thảo Luật đã cụ thể hóa, quy định những vấn đề về bảo vệ môi trường phù hợp đặc thù của biển và hải đảo như phân vùng rủi ro ô nhiễm, ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển...

Tuy nhiên, ban soạn thảo cần nghiên cứu cụ thể hóa hơn nữa những nguyên tắc về bảo vệ môi trường biển và hải đảo đã được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.

Về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo, ông Dũng cho rằng ban soạn thảo cần bổ sung quy định cơ quan chịu trách nhiệm cụ thể hóa tiêu chí phân cấp rủi ro; nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể về kiểm soát ô nhiễm do tàu biển gây ra cho phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982. 

Về ứng phó, khắc phục sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển, ban soạn thảo cần bổ sung quy định cụ thể về tiêu chí phân cấp sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển; trách nhiệm của Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn; bổ sung trách nhiệm của Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an; quy định cơ quan chịu trách nhiệm xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu quốc gia.

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định cụ thể trách nhiệm phối hợp của một số Bộ có liên quan trực tiếp đến quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn