• Zalo

Chủ tịch Quốc hội: Không bất ngờ trước hành động của Trung Quốc

Thời sựThứ Sáu, 23/05/2014 02:30:00 +07:00Google News

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định Việt Nam không bất ngờ, “ta biết trước khả năng có việc này và đã ứng phó kịp thời”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định Việt Nam không bất ngờ, “ta biết trước khả năng có việc này và đã ứng phó kịp thời”.

Tại phiên thảo luận tổ sáng 23/5, đề cập đến việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định Việt Nam không bất ngờ, “ta biết trước khả năng có việc này và đã ứng phó kịp thời”.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (bìa phải) tại phiên thảo luận tổ sáng 23-5 - Ảnh: V.V.Thành
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (bìa phải) tại phiên thảo luận tổ sáng 23-5 - Ảnh: V.V.Thành 

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, vấn đề đặt ra hiện nay là đánh giá thảo luận của Quốc hội liên quan đến tình hình ở biển Đông, thông cáo của Quốc hội về nội dung thảo luận (tại đoàn) về tình hình biển Đông, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, chủ trương và giải pháp của Việt Nam với lập trường 4 điểm như vậy đã được chưa. Cùng với đó là tập trung giải quyết các khó khăn của nền kinh tế, dự báo tình hình khó khăn đến đâu.


Chủ tịch Quốc hội cho rằng khó khăn trong sản xuất - kinh doanh còn lớn và đang xuất hiện những khó khăn mới.

Một số ý kiến khác trong thảo luận tổ cũng cho rằng, liên quan đến tình hình hiện nay ở biển Đông, cần phân tích kỹ hơn, sâu sát hơn các yếu tố ảnh hưởng đến kinh tế, ví dụ như kim ngạch thương mại, xuất khẩu nông sản, nguyên vật liệu đầu vào cho nền kinh tế… để từ đó có các giải pháp phù hợp, tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc như hiện nay.

Phải có kịch bản dự liệu tình hình

Buổi thảo luận tổ tập trung hàng loạt nội dung đáng chú ý: đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013; phương án đảm bảo cân đối ngân sách trung ương và ngân sách địa phương năm 2013; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2014; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2012.

Phân tích nhiều yếu tố diễn biến “nóng” trong khu vực và thế giới, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) nói “vấn đề quốc phòng và an ninh cần được đặt lên hàng đầu”. Còn về kinh tế, theo ông Ngân, cũng cần đặt trong bối cảnh động, vừa ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, vừa gắn kinh tế với quốc phòng.

Đại biểu Ngân đề xuất rà soát lại các đầu tư, dự án, nguồn lực…, thậm chí có những dự án phải ngừng lại để ưu tiên nguồn lực gắn với chiến lược quốc phòng.


Đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu) cho rằng những nhận định đánh giá của Chính phủ đã tương đối rõ, sát tình hình thực tế. Tuy nhiên, vừa qua xảy ra sự kiện bất ổn ở biển Đông, ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế, thương mại hai nước. Cần đánh giá kỹ lưỡng vấn đề này để có bước đi phù hợp, giải pháp cụ thể.

Theo ông Thụ, biển Đông, về chính trị thì chúng ta đã bàn và thể hiện ý chí chung rồi. Bây giờ đứng ở góc độ kinh tế - xã hội, ngân sách, Chính phủ cần báo cáo cụ thể hơn nữa, đưa ra các kịch bản. Ví dụ nếu tình hình chỉ căng thẳng như hiện nay thì hậu quả thế nào, nhưng nếu tình hình xấu hơn thì kịch bản thế nào.

Nếu chúng ta không có kịch bản sẵn thì sẽ rơi vào thế bị động. Cần phải dự liệu rõ trong quan hệ với Trung Quốc nếu diễn biến xấu đi thì từng ngành hàng bị ảnh hưởng thế nào, doanh nghiệp nào bị ảnh hưởng nhất.


Ông Thụ đơn cử ngành dệt may xuất khẩu 17,8 tỷ USD, giải quyết công ăn việc rất lớn. “Chúng ta mua từ sợi chỉ đến các khuy áo đều phụ thuộc vào một thị trường Trung Quốc” - ông Thụ cũng nói sản lượng cao su của chúng ta rất lớn, nhưng xuất khẩu cũng phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Đây là những điều chúng ta cần phải tính, tìm cách gỡ. Chúng ta cần phải bàn sâu vấn đề này để chấn hưng đất nước. Kinh tế có mạnh thì quốc phòng an ninh mới vững.


Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Ảnh: Việt Dũng
Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Ảnh: Việt Dũng 

Trong khi đó, trao đổi thêm với Tuổi Trẻ, đại biểu Hoàng Ngân khẳng định ủng hộ kỳ họp này Quốc hội có nghị quyết dành cho ngư dân, vừa đảm bảo vấn đề kinh tế, vừa tăng cường lực lượng bám biển.

“Tôi nghĩ cần chia sẻ với ngư dân lúc này” - ông Ngân nói, đồng thời đề xuất cụ thể giải pháp hỗ trợ ngư dân có tàu bám biển. Theo đại biểu Ngân, khi trao đổi với Bộ Giao thông vận tải thì bộ này cho biết “tiết kiệm” được 35.000 tỷ đồng. Cụ thể đây là khoản tiền mà ngành này đã rà soát lại các dự án, các dự toán, cắt giảm các khoản không cần thiết…


Ông Ngân đề xuất cụ thể sử dụng khoản tiền nói trên để mua sắm đội tàu cho ngư dân bám biển, giống như các hãng taxi mua sắm xe cho tài xế của mình chạy. Với cách làm này ngư dân sẽ có đội tàu chất lượng, an tâm bám biển.

Hiện nay mỗi chiếc tàu khoảng 5-10 tỷ đồng, trong khi khoản tiền nói trên của ngành giao thông là 35.000 tỷ đồng. Còn cơ chế quản lí, bảo quản thì giao cho UBND các địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương.


>>Xem thêm video Thủ tướng phát biểu tại Philippines:



"Tôi thấy ngư dân có quyết tâm chính trị rất lớn, sẵn sàng bám biển nhưng thiếu tiền. Như vậy, lấy đầu tư công để đầu tư đội tàu cho ngư dân, tôi cho rằng sẽ rất thành công" - ông Ngân nói. Ngoài ra, ngành dầu khí cần có trách nhiệm với ngư dân vì khi ngư dân bám biển sẽ góp phần tạo sự bình yên cho ngành này. Ngành dầu khí cũng có thể thành lập đội tàu cho ngư dân hợp tác đánh bắt hải sản và bảo vệ Tổ quốc…


Theo bạn, Việt Nam nên làm gì với giàn khoan trái phép Trung Quốc

  • Kiên trì dùng lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư buộc rút giàn khoan
  • Kết hợp đấu tranh pháp lý và đấu tranh ngoại giao
  • Kiện ra tòa án quốc tế
  • Tuyên truyền cho người Trung Quốc hiểu thực chất vấn đề
  • Ý kiến khác (comment ở cuối bài)
  • Thăm dò ý kiến Thăm dò ý kiến

Ý kiến trên đã nhận được nhiều phản hồi đồng tình tại thảo luận tổ của các đại biểu Quốc hội, như cách nói của ĐB Trần Du Lịch việc này cần có bàn tay của nhà nước, có thể đóng tàu cho ngư dân thuê.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng đồng tình đề xuất Chính phủ phải tiếp tục thực hiện nghiêm chính sách thắt lưng buộc bụng để chủ động ứng phó với tình hình còn nhiều diễn biến phức tạp phía trước. Trước mắt giảm tối đa các khoản ngân sách chi cho các cuộc thăm viếng, đi công tác nước ngoài…


» Tặng 25 tỷ đồng bảo hiểm cho tàu cá ngư dân Lý Sơn
» Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Trung Quốc đang thách thức các nước lớn
» Hào hùng lịch sử chống giặc phương Bắc bất khuất
» Cận cảnh tàu Kiểm ngư bị tàu Trung Quốc đâm hư hỏng


Theo TTO

Bình luận