Sáng 17/11, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng tiếp xúc cử tri quận Hải An (Hải Phòng) sau Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV.
Thông tin về cơ chế đặc thù, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Bộ Chính trị ra hai Nghị quyết chuyên đề liên quan đến Hải Phòng gồm: Nghị quyết 32 năm 2015 và Nghị quyết 45 năm 2019.
Tuy nhiên, ông Huệ cho rằng từ Nghị quyết 32 đến Nghị quyết 45 là sự thay đổi rất lớn về tư duy, mục tiêu phát triển, đặt Hải Phòng trong vị thế và tầm vóc khác, không chỉ là một cực tăng trưởng mà còn là động lực phát triển cho cả khu vực và cả nước, sớm hiện đại hóa, công nghiệp hóa thành phố Hải Phòng, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở châu Á.
Do đó, tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết cho phép Hải Phòng thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù (cùng với 3 địa phương khác) để Hải Phòng phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, tạo sự lan tỏa vùng, miền, đồng thời cũng tạo tiền đề để tổng kết, nghiên cứu, áp dụng cho các địa phương khác.
Đối với đề xuất thành lập khu thương mại tự do, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chưa trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Hai vừa qua và đã đề nghị Chính phủ, Thành phố Hải Phòng nghiên cứu, hoàn thiện, làm rõ hơn các nội dung về cơ chế, chính sách cụ thể để báo cáo Bộ Chính trị và Quốc hội trong thời gian tới.
Đồng tình với các kiến nghị của cử tri liên quan đến bảo đảm an sinh xã hội, Chủ tịch Quốc hội cho biết, lần đầu tiên tại kỳ họp vừa qua, Quốc hội đã dành thời gian thảo luận về thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế - 2 trụ cột chính trong hệ thống chính sách an sinh xã hội của nước ta.
Nghị quyết chung Kỳ họp thứ Hai cũng đã đề cập rất kỹ, rất sâu về việc tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Cùng với đó, ghi nhận kiến nghị của cử tri, Chủ tịch Quốc hội cho biết sẽ đôn đốc việc ban hành Nghị định hướng dẫn hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Người có công có hiệu lực từ tháng 7/2021.
Đối với hộ nghèo, Quốc hội đã thống nhất, những hộ có hoàn cảnh rất đặc biệt như người khuyết tật, người già neo đơn… không thể hỗ trợ thoát nghèo được thì chuyển toàn bộ sang bảo trợ xã hội và nghiên cứu điều chỉnh mức hỗ trợ lên cao hơn so với hiện nay.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhất trí kiến nghị của cử tri về tăng cường các thiết chế cho công nhân và người lao động bởi đây là vấn đề quan trọng nổi lên qua đợt dịch COVID-19 vừa qua, hàng triệu người lao động đã rời TP.HCM và các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam để về quê.
Trong gói hỗ trợ, kích thích kinh tế tới đây, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ cũng đã tính đến chính sách hỗ trợ chương trình cải tạo chung cư cũ và xây dựng nhà ở xã hội, các thiết chế cho người lao động, có thể có chương trình hỗ trợ lãi suất, ngân hàng cho vay tái cấp vốn để phát triển nhà ở xã hội cũng như nhà cho người thu nhập thấp.
Theo Chủ tịch Quốc hội, một trong những bài học phải “nằm lòng” là gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp hóa và đô thị hóa. Bởi nếu công nghiệp hóa đi nhanh hơn đô thị hóa thì sẽ có tình trạng không có thiết chế văn hóa, không có thiết chế nhà ở xã hội cho người lao động. Nhưng nếu đô thị hóa nhanh hơn công nghiệp hóa thì sẽ xuất hiện tình trạng biệt thự, nhà ở, khu chung cư bỏ không.
Hải Phòng còn là trung tâm lao động, công nghiệp của khu vực. Do đó, Chủ tịch Quốc hội gợi ý, Hải Phòng có thể có đề án riêng về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân để đề xuất với Trung ương, Chính phủ trong gói hỗ trợ tới đây.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị HĐND, UBND thành phố Hải Phòng ghi nhận và tiếp thu các kiến nghị, đề xuất thuộc thẩm quyền của địa phương. Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố sẽ tổng hợp, báo cáo Quốc hội tiếp thu những kiến nghị, đề xuất thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Những kiến nghị, đề xuất thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng sẽ kiến nghị để Chính phủ giải quyết.
Bình luận