Chiều 4/8, Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các đại biểu QH thuộc Đoàn đại biểu QH TP Cần Thơ đã tiếp xúc với hơn 300 cử tri là cán bộ nghỉ hưu thuộc diện Thành ủy Cần Thơ quản lý. Vấn đề tổ chức cán bộ mà cụ thể là liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, đã được nhiều cử tri đặt ra tại buổi tiếp xúc này.
Thiếu tướng Vũ Cao Quân (nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự TP Cần Thơ) đặt ngay vấn đề về trách nhiệm của những người đã đưa ông Thanh về Hậu Giang. Cùng quan điểm, Thiếu tướng Lê Thanh Sơn (nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cần Thơ cũ) cũng cho rằng chuyện của ông Thanh liên quan đến vấn đề tổ chức.
“Cái này phải xem lại (vấn đề tổ chức cán bộ - NV). Như anh Quân nói, sau này người dân hơi giảm niềm tin. Tôi 50 tuổi Đảng, nghe chuyện này cũng thấy nó kỳ kỳ, đảo lộn hết cả trật tự” - ông Sơn bày tỏ.
Thiếu tướng Lê Xã Hội (nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu 9) cũng đề nghị: “Ông nào ký giấy cho ông Thanh về Hậu Giang thì phải xử lý. Hậu Giang có lỗi là xin ông Thanh về. Nhưng người quản lý cán bộ thì phải biết ông Thanh có vấn đề gì để nói địa phương không thể xin được chứ”.
Ông nào ký giấy cho ông Thanh về Hậu Giang thì phải xử lý. Hậu Giang có lỗi là xin ông Thanh về. Nhưng người quản lý cán bộ thì phải biết ông Thanh có vấn đề gì để nói địa phương không thể xin được chứ”.
Thiếu tướng Lê Xã Hội
Trả lời các ý kiến cử tri liên quan đến ông Thanh, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch QH, khẳng định ông Thanh không phải do Trung ương đưa về Hậu Giang, không nằm trong danh sách cán bộ luân chuyển. Cạnh đó, bà Ngân cũng cho rằng có vai trò của Ban Tổ chức Trung ương, vì phải có người ký duyệt thì ông Thanh mới về Hậu Giang được.
Vấn đề này, theo bà Ngân, Tổng Bí thư đã chỉ đạo và Bộ Chính trị cũng đang cho kiểm tra, làm rõ. “Hiện nay đang làm các bước tiếp theo và Tổng Bí thư chỉ đạo sẽ làm tới nơi. Ai liên quan đến việc đưa ông Trịnh Xuân Thanh về Hậu Giang cũng sẽ bị xử lý” - bà Ngân cho hay.
Một vấn đề khác là Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam - nơi ông Thanh làm việc trước đây được phong tặng anh hùng lao động trong khi làm ăn thua lỗ hơn 3.000 tỉ đồng. Bà Ngân cho biết vụ này Ban Thi đua Khen thưởng (TĐKT) nói trách nhiệm ở Bộ Công Thương nhưng cũng không tránh được trách nhiệm. Theo bà Ngân, sự vụ này đang làm, chưa kết luận trách nhiệm thuộc về ai.
“Công tác TĐKT đúng là còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa đúng với nguyên tắc công thưởng, tội trừng. Tôi thấy QH cũng cần giám sát hoạt động TĐKT xem có “chạy” TĐKT hay không, vì lâu nay QH chưa giám sát hoạt động này”.
Cùng ngày, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng cùng các đại biểu QH đơn vị 9 (Đoàn đại biểu QH
TP.HCM) đã tiếp xúc cử tri ở huyện Hóc Môn. Tại đây, nhiều cử tri Hóc Môn cũng bày tỏ bức xúc về vấn nạn an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Cử tri Lưu Anh Minh (phường Tân Thới Nhì) đề nghị phải tăng hình phạt đối với vi phạm này, phải xử lý hình sự, bởi đây không phải là hành vi giết một người mà là đầu độc nhiều người cũng như đầu độc thế hệ về sau.
Trao đổi với cử tri, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng khẳng định đây là những vấn đề rất lớn, vì vậy trong kỳ họp thứ nhất QH khóa XIV, QH đã quyết định đưa vấn đề này vào chương trình giám sát tối cao của QH năm 2017.
Bí thư cũng thông tin trước đây có ba ngành là NN&PTNT, Công Thương và Y tế cùng quản vấn đề này nên công tác quản lý không được đảm bảo. Được sự đồng ý của Thủ tướng, sắp tới TP.HCM sẽ sớm thành lập cơ quan đầu mối, quy ba nhánh trên về làm một, quản lý mọi khâu này từ sản xuất đến thị trường, làm sao đưa thực phẩm sạch vào bữa ăn của người dân.
Video: Bà Nguyễn thị Kim Ngân tuyên thệ nhậm chức
Bình luận