• Zalo

Chủ tịch QH: Công trình Việt Nam đắt nhất thế giới

Thời sựThứ Sáu, 12/07/2013 11:20:00 +07:00Google News

Giá công trình xây dựng, giao thông của Việt Nam đắt nhất thế giới là khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Giá công trình xây dựng, giao thông của Việt Nam đắt nhất thế giới là khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Giá công trình đắt nhất thế giới

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu cơ quan soạn thảo phải rà soát lại các quy định tại dự thảo Luật Đấu thầu, sao cho phải ngăn chặn được hành vi thông thầu, bởi đó là tiêu cực, tham nhũng. “Những mánh lới để tiêu cực, thông thầu các đồng chí đều biết hết cả rồi, vậy phải làm thế nào để luật này ngăn chặn được tiêu cực trong lĩnh vực đấu thầu” – Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nêu vấn đề.

Theo Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, thông thầu, đội giá rất phổ biến tại Việt Nam hiện nay, từ lĩnh vực xây dựng cơ bản, giao thông cho đến dược phẩm. Tiêu cực nằm ngay ở thông thầu. Cứ trúng thầu là sau đó điều chỉnh giá, đội giá rất lớn.

 “Các đồng chí thử tìm xem có công trình xây dựng, giao thông nào mà không đội giá tới hàng nghìn tỷ đồng? Chúng ta cũng đã thấy rõ là có tiêu cực đấy, nhưng mà vẫn cứ phải chạy theo để điều chỉnh. Vì vậy, giá công trình xây dựng, giao thông của ta đắt nhất thế giới” – Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nói.

 

“Luật Đấu thầu rất có ý nghĩa trong thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí. Các Ủy ban của QH, Chính phủ cần làm tốt dự thảo, để khi trình Quốc hội bấm nút thì yên tâm là mình đã giúp khắc phục được tiêu cực tham nhũng”.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng
 
“Chúng ta biết rõ có thông thầu vậy mà không bắt được, không xử lý được ai. Cứ nói đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, nhưng mà nó ở ngay đây. Đã thông thầu là có tiêu cực, tham nhũng. Vậy luật này có chống được tiêu cực, đội giá không? Tôi thấy là chưa chống được.
 Vì sao đấu thầu xong giá lại cao hơn thị trường, mà chất lượng, ví dụ như đấu thầu thuốc, có khi lại còn kém hơn? Chúng ta cần phải giải trình với Quốc hội vì sao các vụ đấu thầu có vấn đề như vậy nhưng xem lại đều đúng luật, không xử lý được. Thế thì luật của mình là luật dở hay luật đúng? ” – Chủ tịch QH phát biểu.

Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nêu thực trạng đấu thầu thuốc hiện nay rất nhiều tiêu cực, làm giá thuốc tăng cao. Chi phí thuốc trong điều trị ở nước ta chiếm tới 60% (có nơi 70-80%). Ở các nước phát triển, tỷ lệ này chỉ là 20-30%. 
So với họ giá thuốc của ta quá cao, khiến mỗi năm BHYT phải chi trả thêm cả nghìn tỷ đồng, vỡ quỹ hay không chính là việc ta có quản lý được chi phí này hay không.

“Có ý kiến đề nghị có luật riêng về đấu thầu thuốc, nếu mình chưa làm được thì cũng nên có chương riêng. Vì để như hiện nay rất lộn xộn, nhà nước không can thiệp, người dân sẽ còn vất vả”- Bà Mai nói.

chủ tịch quốc hội, giá công trình, đắt nhất thế giới
 Cần công khai minh bạch trong đấu thầu giá thuốc. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Xử lý chủ đầu tư để thông thầu


Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu phải ngăn chặn bằng được nạn điều chỉnh, đội giá sau khi trúng thầu, không thể để “hôm nay tăng lương, mai điều chỉnh giá”.

“Xây một cái nhà, thiết kế thế nào thì thi công như thế, sao lại vin vào thay đổi khối lượng để nâng giá? Ông A, ông B, ông thẩm định, ông duyệt giá... một dây như thế làm gì mà không đội giá lên!” – Chủ tịch QH nói. Theo Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, Bộ Tài chính, Thanh tra phải có tiếng nói. “Tôi không đồng ý điều chỉnh giá. Giá trúng thầu phải là giá cuối cùng, những rủi ro phải tính hết vào giá thầu”.

Nhắc lại vụ vỡ đập thủy điện gần đây, Chủ tịch QH chỉ rõ “vỡ đập chính là do thiết kế kém, thiết kế bằng đất mà vẫn cho thi công nên hậu quả mới xảy ra”.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Cao Việt Sinh cho biết, để khắc phục bất cập nói trên, luật có quy định “đấu thầu trọn gói”, tức là cứ “y án làm, lỗ thì chịu”, các DN nước ngoài thích cách này. Nhưng điều kiện tiên quyết là kinh tế vĩ mô phải ổn định, bởi lạm phát tăng, tỷ giá điều chỉnh sẽ làm thay đổi tổng mức đầu tư.

Để loại trừ cái này, chúng ta đưa vào dự phòng (tính trượt giá rủi ro), nhưng thường chỉ đưa mức dự phòng thấp nên khi triển khai đều tăng cao hơn, ví dụ như nhà QH cũng khó giữ được tổng mức đầu tư ban đầu. “Vậy thì càng phải sòng phẳng, phải minh bạch, không thể nhập nhằng, trên bảo dưới không nghe, không ai chịu trách nhiệm” – Chủ tịch QH nói.

Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu, hoàn thiện dự án luật theo nguyên tắc: Không điều chỉnh giá sau khi trúng thầu; lựa chọn thầu với mức giá thấp nhất nhưng chất lượng phải tốt nhất; đối với đấu thầu thuốc, cần quy định thành một chương riêng.

Theo Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, dự thảo Luật còn nhiều quy định dừng ở dạng khái niệm, chưa đủ mẹo, đủ mưu để chặn tiêu cực, tham nhũng. “Phải quy định rõ chủ đầu tư để xảy ra thông thầu phải bị xử lý” - Chủ tịch QH chốt lại.

Theo TPO

Bình luận
vtcnews.vn