• Zalo

Chủ tịch nước Trần Đại Quang tuyên thệ gì khi nhậm chức?

Thời sựThứ Bảy, 02/04/2016 09:18:00 +07:00Google News

Sáng 2/4, sau khi nhậm chức, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tuyên thệ trước Quốc hội.

(VTC News) – Sáng 2/4, sau khi nhậm chức, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tuyên thệ trước Quốc hội.

Sáng nay (2/4), với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã bầu đại tướng Trần Đại Quang trở thành tân Chủ tịch nước. Ngay sau khi được Quốc hội bầu, tân Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tuyên thệ trước Quốc hội, nhân dân cả nước.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang
Chủ tịch nước Trần Đại Quang 
"Kính thưa quốc hội, tôi xin chân thành cảm ơn Quốc hội đã tín nhiệm bầu tôi làm Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam.

Trước cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, đồng bào và cử tri cả nước, tôi Trần Đại Quang, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam xin tuyên thệ:

Tuyệt đối trung thành với tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam.

Nỗ lực làm hết sức mình làm tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Xin chân thành cảm ơn".

Ngay sau khi được bầu, ông Trần Đại Quang đã có một số lời phát biểu trước Quốc hội:

Trước hết, ông Chủ tịch nước Trần Đại Quang cảm ơn Quốc hội đã bầu ông giữ chức vụ Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam. Ông Quang cũng cảm ơn Quốc hội đã dành  tình cảm và những lời chúc tốt đẹp.

Video: Tân chủ tịch nước Trần Đại Quang tuyên thệ trước Quốc hội
“Với niềm vinh dự, trách nhiệm lớn lao của người đứng đầu Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng - An ninh, thống lĩnh lực lượng vũ trang, tôi nguyện làm hết sức mình phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân, kế thừa và phát huy truyền thống dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc, kinh nghiệm của các vị Chủ tịch nước tiền nhiệm, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kiên quyết, kiên trì đấu tranh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lợi ích và an ninh quốc gia”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu.

Chủ tịch nước cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, chủ động, tích cực hội nhập nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ hòa bình, độc lập dân tôc, dân chủ, tiến bộ xã hội trên thế giới.

“Tôi chân thành cảm ơn nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các vị Chủ tịch nước tiền nhiệm đã có đóng góp to lớn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hết lòng, hết sức vì đất nước, nhân dân. Xin kính tặng đồng chí Trương Tấn Sang bó hoa tươi thắm, chúc đồng chí và gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc, tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc. Xin trân trọng cảm ơn”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói.


Video: Tân Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu sau khi tuyên thệ
Trước đó, chiều 31/3, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch nước.

Theo đó, Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã được giới thiệu để Quốc hội bầu Chủ tịch nước.

Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nêu vắn tắt quá trình công tác của đồng chí Trần Đại Quang.

Ông Trần Đại Quang sinh ngày 12/10/1956 tại Ninh Bình. Ông Quang là Giáo sư, Tiến sỹ luật. Ông cũng là Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, XI, XII; Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI, XII; Đại biểu Quốc hội khóa XIII.

Trước đó, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, bà Nguyễn Thị Khá, Ủy viên Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đánh giá, Đại tướng Trần Đại Quang là người rất tích cực trong công việc.

Đồng thời, thông qua sự chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Đại Quang, rất nhiều các vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự đã được xử lý nhanh chóng, tạo niềm tin cho nhân dân. Bà Khá cũng cũng kỳ vọng ông Quang sẽ trúng cử chức danh Chủ tịch nước.

“Nếu ông Trần Đại Quang trúng cử sẽ đảm nhiệm tốt vị trí nguyên thủ Quốc gia ở cả đối nội và đối ngoại”, bà Nguyễn Thị Khá tin tưởng.
Quá trình hoạt động của ông Trần Đại Quang

- 7/1972-10/1972: Học viên trường Cảnh sát Nhân dân.

- 10/1972-10/1975: Học viên Trường Văn hóa Ngoại ngữ Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an).

- 10/1975-11/1976: Cán bộ Cục Bảo vệ chính trị I, Bộ Nội vụ.

- 12/1978-9/1982: Cán bộ Cục Bảo vệ chính trị II, Bộ Nội vụ.

- 9/1982-6/1987: Phó trưởng phòng nghiệp vụ, Cục Bảo vệ chính trị II, Bộ Nội vụ; học Đại học An ninh (từ 1981-1986).

- 6/1987-6/1990: Trưởng phòng Tham mưu, Trưởng phòng nghiệp vụ, Cục Bảo vệ chính trị II, Bộ Nội vụ; học lý luận cao cấp tại Học viện Nguyễn Ái Quốc (10/1989-4/1991).

- 6/1990-9/1996: Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Cục trưởng Cục Tham mưu An ninh rồi Phó Cục trưởng phụ trách Cục Tham mưu An ninh, Tổng cục An ninh; học Đại học Luật Hà Nội (1991-1994).

- 9/1996-10/2000: Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng cục An ninh, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Tham mưu An ninh, nghiên cứu sinh tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (1994-1997).

- 10/2000-4/2006: Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an, Thiếu tướng (2003); được phong hàm phó Giáo sư năm 2003.

- 4/2006-1/2011: Trung tướng (4/2007), Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an; được phong hàm Giáo sư năm 2009. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần X của Đảng được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng.

- 1/2011-12/2011: Trung tướng, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần XI của Đảng được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng, được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị; đại biểu Quốc hội khóa XIII. Tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khóa XIII, được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Công an.

- Từ 5/12/2011: Ông Trần Đại Quang được thăng quân hàm từ Trung tướng lên Thượng tướng, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an.

- Ngày 29/12/2012: Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã trao Quyết định thăng cấp bậc hàm từ Thượng tướng lên Đại tướng cho đồng chí Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn