Tối 28/4, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự và phát biểu tại Lễ phát động Tháng Nhân đạo 2022, kỷ niệm Ngày Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ Quốc tế (8/5) được tổ chức tại TP. Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế).
Trong bài phát biểu, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, qua 4 năm triển khai, tháng Nhân đạo do Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam khởi xướng vận động được trên 1.500 tỷ đồng, trợ giúp trên 3,3 triệu lượt người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn.
Một ý nghĩa đặc biệt quan trọng nữa là Tháng Nhân đạo góp phần nâng cao nhận thức xã hội, cổ vũ, phát huy, khơi dậy và lan tỏa tinh thần tương thân tương ái, trong các tầng lớp nhân dân và thật vui mừng là có nhiều bạn trẻ nhiệt tình tham gia. Đây là nền tảng cần thiết tạo bước ngoặt cho tình yêu thương và sẻ chia.
Tháng Nhân đạo năm 2022 với chủ đề "Gắn kết cộng đồng - Lan tỏa hành động nhân ái" mang theo thông điệp mong muốn mọi người hãy kề vai, sát cánh bên nhau bằng những việc làm tử tế, ý nghĩa, thiết thực.
Từ mỗi hành động nhân ái nhỏ bé sẽ có tác động lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp, nhân lên thành nhiều hành động đẹp, góp phần xây dựng một cộng đồng đoàn kết, một xã hội giàu nhân ái, tràn đầy tình yêu thương.
"Nhân đây tôi cũng muốn nói rằng, hoạt động nhân đạo phải xuất phát từ trái tim, từ tình yêu thương thực sự chứ không phải làm màu, hình thức, hay lợi dụng danh nghĩa nhân đạo để đạt được mục tiêu riêng của mình, gây xói mòn niềm tin xã hội vào những hoạt động vốn dĩ cao đẹp và thượng nghĩa như vậy. Trăng khuyết thì lại đầy song mất niềm tin sẽ khó mà tạo dựng lại", Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Tại Lễ phát động Tháng Nhân đạo 2022, Chủ tịch nước yêu cầu 3 việc: Thứ nhất, Chính phủ, chính quyền các địa phương cũng như các cơ quan liên quan cần phải kịp thời phát hiện, ghi nhận, vinh danh và khen thưởng xứng đáng những tấm gương tình nguyện, các hoạt động nhân đạo ý nghĩa, lan tỏa tình yêu thương con người không giới hạn.
Thứ hai, hoạt động tình nguyện, nhân đạo không phải là trách nhiệm riêng có của Nhà nước hay của một tổ chức, cộng đồng hay cá nhân nào mà phải là trách nhiệm chung của toàn xã hội, trong đó Nhà nước cần đóng vai trò chủ động và định hướng. Mỗi người dân, mỗi tổ chức, không phân biệt công tư, đều có quyền tham gia và có trách nhiệm đóng góp làm cho mục tiêu trở nên hiệu quả và ý nghĩa hơn.
Thứ ba, các hoạt động tình nguyện, nhân đạo phải được tổ chức bài bản, chuyên nghiệp và hiệu quả; không thực hiện máy móc, tự phát, lãng phí, không hiệu quả. Do đó, khuyến khích các tổ chức có năng lực và kinh nghiệm với sự tham gia rộng rãi về nhân lực và tài lực của toàn xã hội.
Bình luận