Sáng nay (18/11), tại Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự lễ kỷ niệm 70 năm thành lập trường Đại học Sư phạm Hà Nội và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ hai. Cùng dự có lãnh đạo một số bộ, ngành, Thành phố Hà Nội; các thế hệ cán bộ, giảng viên, công nhân viên, học viên, sinh viên, học sinh Nhà trường.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước nêu rõ, hệ thống các trường sư phạm nói chung, trường Đại học Sư phạm Hà Nội nói riêng có vị trí rất quan trọng trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đi đào tạo các thế hệ tương lai của đất nước. Đất nước có nhiều trò giỏi khi có nhiều thầy giỏi. Do đó, người thầy cần đi tiên phong thực hiện khát vọng vươn lên, truyền cảm hứng cho học sinh để họ vươn lên học tập tốt, rèn luyện tốt.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nồng nhiệt chúc mừng các thế hệ cán bộ, thầy giáo, cô giáo, công nhân viên, học viên, sinh viên, học sinh trường Đại học Sư phạm Hà Nội về những thành tích đạt được 70 năm qua.
Chủ tịch nước đánh giá, trường Đại học sư phạm Hà Nội có những đóng góp trọn vẹn cho đất nước với vai trò là “máy cái” của ngành sư phạm. Nhiều cán bộ, giảng viên của trường, theo yêu cầu của Đảng, Nhà nước và của ngành, đã trở thành đội ngũ nòng cốt xây dựng nhiều trường sư phạm trên toàn quốc.
Trường là cơ sở đầu tiên đề xuất và triển khai thành công một phương châm lớn, có giá trị lý luận và thực tiễn trong giáo dục đại học, đó là: "biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo" theo tư tưởng của Bác Hồ “Lấy tự học làm cốt”; là địa chỉ đỏ trên bản đồ giáo dục và đào tạo tài năng trẻ cho đất nước, cả thầy và trò đều đạt nhiều giải thưởng, công bố quốc tế uy tín.
Khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn xác định giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã được Nhà nước xác định là một trong hai trường đại học sư phạm trọng điểm của cả nước và đặt ra một số nhiệm vụ với trường.
"Ưu tiên phát triển đội ngũ cán bộ, viên chức, giảng viên đảm bảo cả về số lượng và chất lượng. Con người, cán bộ, giảng viên là tài sản quý giá nhất của nhà trường chứ không phải trường to, lớp rộng, giảng đường đẹp. Cán bộ giảng viên của nhà trường trước hết phải là những tấm gương về đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên và xã hội soi vào, phải bảo vệ hình ảnh, uy tín và danh dự của người nhà giáo; phải có tinh thần tự học và tự sáng tạo; có trình độ chuyên môn cao, có phương pháp dạy học hiện đại, gắn kết giữa nghiên cứu khoa học với giảng dạy, thực tiễn và có năng lực chủ động hội nhập.
Như lời của nhà sư phạm Nga Usinxki “Sự gương mẫu của người thầy là tia sáng mặt trời thuận lợi nhất đối với sự phát triển tâm hồn non trẻ mà không có gì thay thế được”. Đây là một nhiệm vụ then chốt, lâu dài và chiến lược. Chúng ta sẽ có nhiều trò giỏi khi có nhiều thầy giỏi. Người thầy cần đi tiên phong thực hiện khát vọng vươn lên, truyền cảm hứng cho học sinh để họ vươn lên học tập tốt, rèn luyện tốt, thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc 5 châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em” - Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Nhắc lại câu danh ngôn “Khi trường học phát triển, mọi thứ đều phát triển", Chủ tịch nước đề nghị Trường Đại học sư phạm tập trung hoàn chỉnh cả về mô hình và cơ chế hoạt động, tiếp tục khẳng định vị thế một trường trọng điểm quốc gia; đổi mới toàn diện về phương pháp và nội dung đào tạo đáp ứng yêu cầu mới hiện nay. Trường cần đóng vai trò dẫn dắt trong công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông theo tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: "Gần gũi hơn với bối cảnh thực tế của giáo dục phổ thông nước nhà để tiếp tục đổi mới mô hình và chương trình đào tạo theo hướng tăng cường năng lực nghề nghiệp cho sinh viên bên cạnh chuyên môn vững vàng. Sinh viên tốt nghiệp từ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phải là những người vừa hồng vừa chuyên, giỏi chuyên môn, giỏi kỹ năng giáo dục và phẩm chất cao quý của người thầy; yêu nước, yêu nghề, yêu trẻ; sáng tạo và cống hiến cho công việc, cho cộng đồng trong môi trường hội nhập quốc tế. Xây dựng dự án để đề xuất với các cơ quan Nhà nước và, Bộ Giáo dục và Đào tạo có những dự án đầu tư trọng điểm nhằm xây dựng cơ sở vật chất của Nhà trường theo hướng đồng bộ, chuẩn hóa, đi kèm theo đó là lựa chọn và phát triển mô hình quản trị trường đại học hiệu quả, tiên tiến trên nền tảng kỹ thuật số. Cần có chính sách phù hợp để thu hút người giỏi thi vào sư phạm".
Nhân dịp kỷ niệm 39 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2021), Chủ tịch nước gửi tới toàn thể quý thầy giáo, cô giáo trên mọi miền của Tổ quốc những tình cảm quý mến, lời chúc sức khỏe và những lời chúc mừng tốt đẹp nhất; bày tỏtrân trọng cảm ơn đội ngũ nhà giáo Việt Nam vì những đóng góp lớn lao, bền bỉ nhưng cũng vô cùng thầm lặng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nước nhà.
Bình luận